Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22: Đáng nhớ vì nhiều điều chưa có trong tiền lệ

Là sự kiện chào mừng Ngày hội Văn hóa toàn quốc, Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 22 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 18.11 đến 20.11 tại TP.Huế. Diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, LHP lần này có nhiều điểm khác biệt so với 21 kỳ LHP trước.

Mở lại 4 rạp chiếu phục vụ LHP

Sau 22 năm LHP quay lại Huế, năm 2021 đã khác xa ngày xưa. Chắc chắn sẽ không còn cảnh LHP mà như “hoạt động bí mật ngày xưa” như chữ dùng của diễn viên Thiệu Ánh Dương, thời 1999, khán giả Huế lặng lẽ và thâm trầm hơn, đón đoàn làm phim dịu dàng khác xa với các LHP ở Hải Phòng hay Đà Nẵng. Còn giờ đây, khán giả Huế nhất là các bạn trẻ hâm mộ điện ảnh biểu lộ sự nồng nhiệt ra ngoài nhiều hơn như “Mắt biếc” của Victor Vũ chiếu dạo nào, khán giả đông kín rạp.

Dĩ nhiên trong thời điểm dịch bệnh, LHP cũng phải thích ứng linh hoạt, an toàn. Đầu tiên đó là sự kết hợp trực tiếp và trực tuyến. LHP sẽ không kéo dài 5 ngày mà thu hẹp còn 3 vì thế toàn bộ hoạt động bị rút gọn. Sẽ không màn thảm đỏ, sẽ không có hội thảo chuyên môn nào, nhưng bù lại sẽ có đêm hội áo dài cố đô. Và nhận văn bản của Cty TNHH Lotte Cinema Việt Nam về kiến nghị thời gian hoạt động trở lại của rạp chiếu và ý kiến đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định cho mở 4 rạp chiếu để chiếu các phim trong khuôn khổ LHP. Đó là rạp Đông Ba, cụm rạp Cinestar, rạp Lotte Cinema, rạp BHD Star Cineplex.

Một thuận lợi cho LHP là tổ chức tại Huế, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và trước đây cũng đã xuất hiện hình ảnh đẹp trên nhiều bộ phim trước đây và cả mới gần đây như “Kiều” (70 % bối cảnh quay tại Huế), “Mắt biếc” (15 địa điểm quay tại Huế) hay “Gái già lắm chiêu 5” đưa hàng loạt cảnh đẹp Huế lên phim từ Đại nội Huế, Cung An Định, lầu Ngũ Phụng, Duyệt Thị Đường…

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thành viên Ban Chỉ đạo và là Phó Trưởng Ban tổ chức (BTC) Liên hoan phim Việt Nam (LHP) lần thứ XXII khi trả lời truyền thông cũng nhấn mạnh LHP cũng là cơ hội để Thừa Thiên Huế quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp quê hương và con người Cố đô, tạo cơ hội để các nhà làm phim khám phá, tìm kiếm ý tưởng sản xuất phim về vùng đất con người Thừa Thiên Huế.

Điểm chính tổ chức LHP là Nhà hát Sông Hương, công trình văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được đầu tư đẹp và hiện đại, có các kỷ lục hàng top Việt Nam, tạo ra những điểm vệ tinh xung quanh Nhà hát sông Hương như: Công viên Lý Tự Trọng, Bia Quốc Học, Công viên Tứ Tượng, Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Công viên Thương Bạc, Nghinh Lương đình...

LHP cũng là dịp khẳng định lại các giá trị truyền thống và tôn vinh áo dài. Được biết Huế đã hoàn tất bộ phim tư liệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” sẽ chiếu tại LHP.

Để đảm bảo an toàn cho LHP, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các phương án kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Theo quy định của BTC, đại biểu tham dự phải tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, trong đó mũi thứ 2 phải tiêm tối thiểu 14 ngày trước khi đến Huế và có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ. Khi đến Huế, đại biểu được bố trí ăn nghỉ trong các khách sạn được giám sát và đại biểu phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế…

Thêm giải đầu tay, số lượng và chất lượng một số thể loại tăng

Việc bổ sung hai giải cho “Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc” và “Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc” là nét mới tại LHP và cho thấy sự hợp lý trong bối cảnh điện ảnh phim truyện Việt phát triển đa dạng và ở giai đoạn bứt phá.

Năm nay, phim đầu tay có ba phim là “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy, “Kiều” của Mai Thu Huyền và “Lính chiến” của Nguyễn Mạnh Hà. Rõ ràng, “Ròm” của Trần Thanh Huy là ứng viên sáng giá nhất.

Trước giờ G, đạo diễn Ðỗ Thành An và nhà sản xuất phim “Kiều @” thuộc Công ty TNHH Ðỗ Thành An đã có văn bản gửi Ban tổ chức xin rút phim “Kiều @” khỏi Liên hoan phim với lý do bộ phim cần thêm thời gian phát hành, thu hoàn vốn. Đó là câu chuyện bình thường trong bối cảnh việc phát hành phim gặp nhiều khó khăn trong thời COVID-19.

Trong khi đó, nhà sản xuất phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” là Công ty TNHH phim Ða Sắc cũng có thư gửi Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, yêu cầu khán giả tham gia buổi công chiếu phim trong khuôn khổ Liên hoan phim phải ký thỏa thuận bảo mật thông tin theo mẫu văn bản nhà sản xuất cung cấp. Theo đó, khán giả được yêu cầu cam kết “giữ tuyệt mật tất cả nội dung, thông tin, hình ảnh, tài liệu và hình ảnh động”, đồng thời cung cấp đủ thông tin cá nhân, trong đó có họ tên, số căn cước công dân, email, điện thoại.

Trong công văn trả lời, Ban tổ chức Liên hoan phim nêu rõ: Các bộ phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 sẽ được trình chiếu tại các cụm rạp do Ban tổ chức chọn lựa. Các rạp chiếu phim đều có quy định khán giả không sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi hình lưu lại nội dung phim dưới bất kỳ hình thức nào. Với những yêu cầu tăng cường bảo mật thông tin của nhà sản xuất phim “Người lắng nghe”, Ban tổ chức quyết định sẽ không đưa bộ phim vào trong các hoạt động chiếu phim của Liên hoan phim…

Phim truyện năm nay khá phong phú về thể tài và đa dạng về xu hướng cũng như sự khác biệt trong phong cách của nhiều đạo diễn thuộc nhiều thế hệ khác nhau, dòng phim khác nhau.

Mảng phim tài liệu và khoa học dự thi LHP 22 tăng về số lượng - hơn 14 phim so với LHP 21 vì thế BGK phim TLKH phải tăng thêm 1 ngày làm việc so với LHP 2019. Theo đánh giá sơ bộ thì chất lượng phim nhìn chung tăng lên, các vấn đề hấp dẫn, đa dạng, có sức hút với khán giả.

Theo Laodong.vn

Tin cùng chuyên mục