Lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện và năng lực học sinh

- Sáng 26-12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
 

 

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội
tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015-2020,  Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình đổi mới sách giáo khoa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cùng với đó tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng tài liệu địa phương, thực hiện các nhiệm vụ đột phá, đổi mới trong toàn ngành, khắc phục khó khăn thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới…

Ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố đã chủ động sắp xếp lại các điểm trường lẻ, lớp học, đội ngũ giáo viên để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình mới đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã tại bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên…

Đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, việc triển khai về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, số người làm việc được giao ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với nhu cầu và định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiếu hơn 4.200 người.

Hầu hết các cơ sở sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ dạy học theo chương trình mới, chủ yếu là thiếu các phòng học chức năng; năng lực của một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; việc cung cấp sách in tài liệu giáo dục địa phương cho các cơ sở giáo dục để giảng dạy theo lộ trình còn chậm theo kế hoạch đề ra, đến nay các trường phải dùng bản PDF để giảng dạy đối với lớp 3, lớp 7…

Đoàn giám sát đã làm rõ những khó khăn, hạn chế khi triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai những giải pháp tháo gỡ  khó khăn để thực hiện tốt chương trình đổi mới sách giáo khoa trong thời gian tới.

 Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt được, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, mục tiêu của Chương trình phổ thông 2018. Trong đó, tập trung sắp xếp trường, lớp học hợp lý, tuyển dụng giáo viên được được cấp có thẩm quyền giao, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới, khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực công tác cho giáo viên để đảm bảo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, khắc phục tình trạng chậm trang cấp thiết bị, đồ dùng, tài liệu học tập; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới; lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, phù hợp với điều kiện và năng lực đa số học sinh trên địa bàn tỉnh…

Tin, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục