Mất tiền khi đi tìm việc
Cuối tháng 12.2023, Trần Minh Kiên (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đăng bài viết lên nhóm Việc làm thời vụ tại Hà Nội với nội dung: “Em cần tìm việc làm thời vụ dịp Tết quanh khu vực Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông hoặc việc làm online. Em có thể bắt đầu công việc ngay hôm nay”.
Ngay sau đó, bài viết nhận về hơn 50 bình luận từ các tài khoản tự xưng là nhà tuyển dụng. Qua tham khảo và liên hệ, Minh Kiên quyết định làm cộng tác viên cho Công ty du lịch S.V.
Theo miêu tả, công việc của Minh Kiên sẽ là tăng tương tác cho bài viết của công ty trên các nền tảng mạng xã hội và website. Công việc không yêu cầu người có bằng cấp, chỉ cần có máy tính và online 8 tiếng/ngày. Theo lời quảng cáo, mức thù lao mà Minh Kiên sẽ nhận được là 250.000 đồng/ngày.
“Người tuyển dụng cho biết, để được nhận vào làm cộng tác viên thời vụ, tôi sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, CCCD, địa chỉ, số điện thoại.
Ngoài ra, phải đóng 1 triệu đồng tiền mở các loại tài khoản để đi tăng tương tác. Người này cũng cho biết, sau 1 tuần làm việc, tôi sẽ được trả lại số tiền này” - Minh Kiên kể lại.
Thế nhưng, khi Minh Kiên vừa chuyển khoản thành công cho người này, tài khoản Facebook của Kiên ngay lập tức bị chặn. Sau đó, Kiên lên mạng tìm kiếm thông tin về công ty thì mới hay biết không hề có Công ty du lịch S.V.
Trương Ngọc Khánh (21 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng gặp phải chiêu lừa đảo tương tự khi tìm kiếm việc làm thêm dịp cận Tết. Thông qua hội nhóm trên Facebook, Ngọc Khánh biết một shop quần áo online đang cần tuyển nhân viên thời vụ làm đến 29 Tết. Công việc là trực và trả lời tin nhắn của khách hàng từ 19h-23h. Mức thù lao cho mỗi ca làm việc là 500.000 đồng.
“Họ yêu cầu tôi phải chuyển khoản 300.000 đồng tiền cọc với lý do là có nhiều người sau 1 - 2 ngày làm việc lập tức nghỉ khiến họ lại mất công tuyển dụng. Thế nhưng, tôi nói rằng, bản thân đang là sinh viên, không có tiền đóng cọc. Chỉ khoảng 1 phút sau đó, tài khoản của tôi bị chặn” - Ngọc Khánh kể lại.
Cẩn trọng với “việc nhẹ, lương cao”
Theo ông Lê Phước Hoà - Đồng sáng lập Dự án phi lợi nhuận Chống lừa đảo, cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao. Kéo theo đó, các chiêu thức lừa đảo thông qua tuyển dụng cũng tăng lên đột biến.
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay vẫn là lừa tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Hơn nữa nếu được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Bởi lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền mà không cung cấp công việc thực tế.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Người dân cần luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm với bất kỳ ai mà mình không tin tưởng hoặc không biết rõ.
“Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bạn trước khi tham gia” - ông Hoà cho hay.
Do đó, trước khi đăng ký làm cộng tác viên thời vụ tại một công ty nào, cần kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.
Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thoả thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng, người dân có thể gặp rủi ro bị lừa đảo.
Gửi phản hồi
In bài viết