Trương Văn Bộ với một tiểu cảnh sắp hoàn thiện.
Bên cạnh khôi phục những công trình theo yêu cầu dựa trên tư liệu khách hàng cung cấp, chàng trai 24 tuổi rất hứng thú với việc tái hiện những công trình kiến trúc xưa của làng quê Bắc Bộ, tiêu biểu như mái đình, mái chùa, đình làng, bến nước, sân đình, các ngôi nhà cổ ba gian hay năm gian hai chái... Các mô hình nhỏ như đình làng dài chừng một gang tay; mô hình lớn hơn như khuôn viên nhà cổ tích hợp cả không gian nhà, ao, sân vườn, khu chăn nuôi, cây cối... cũng chỉ dài rộng khoảng 40cmx20cm, lớn nhất thường là mô hình nhà thờ tổ với kích thước 120cmx80cm.
Bộ cho biết, làm một tiểu cảnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: từ quan sát, chụp ảnh, phác thảo, vẽ chi tiết tới chuẩn bị nguyên liệu cần thiết, rồi làm đế, dựng vách, đổ tường, lợp ngói, xây thềm, lát gạch, sơn mầu... Khó nhất là khâu tìm kiếm tư liệu, bối cảnh, kiến trúc đặc trưng để đưa vào công trình cổ. Theo đuổi đam mê ở thời điểm mọi kỹ năng mới chỉ là con số 0, suốt 17 năm qua, chàng trai trẻ nỗ lực quan sát, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập thêm nhiều kỹ thuật ở những bộ môn khác như kiến trúc, bonsai... để dần thử-sai và đúc rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, với những nguyên liệu không có sẵn như gạch, ngói tí hon, Bộ phải tính toán thật kỹ về kích thước để tạo khuôn sao cho vừa với độ lớn từng mô hình, rồi thử nung ở các mức nhiệt, thời gian khác nhau mới có thể rút ra quy tắc; hay để tránh tình trạng sắt gỉ ảnh hưởng đến độ bền của công trình, làm thế nào để không đưa sắt vào mà vẫn bảo đảm độ cứng của vật liệu... Bên cạnh đó, những tiểu cảnh được thu nhỏ vài chục lần so với thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận đến mức khắt khe, như sự thành thạo trong nặn, vuốt để tạo hình chuẩn xác trước khi xi-măng khô, hoặc khi cần bổ sung những phụ gia chống thấm, giảm độ co ngót của vật liệu khi thời tiết thay đổi... Cũng may, việc theo học Khoa Cơ khí (Đại học Thủy lợi) đã hỗ trợ chàng trai trẻ đọc được thành thạo cả các bản vẽ xây dựng và kiến trúc, biết cách kiểm soát chi tiết hơn tỷ lệ bản vẽ tiểu cảnh cũng như hoàn thiện hơn sự cẩn trọng, kiên nhẫn.
Không chỉ dựng lại những mô hình tiểu cảnh sống động y như thật với những họa tiết, hoa văn cổ đặc sắc, Trương Văn Bộ còn thổi hồn cho những công trình thu nhỏ bằng nhiều chi tiết sống động như cây cối, tượng người, vật dụng, vật nuôi. Hình ảnh ông lão, bà lão ngồi thư thái trên chõng tre trước hiên nhà cạnh chiếc phích chỉ to bằng đốt tay, hay cảnh con gà, con vịt nhỏ tí xíu thong dong trên sân... gợi những ký ức tuổi thơ thật yên bình. Tuy nhiên, "việc đưa vào mô hình những chi tiết nhỏ cũng giống như con dao hai lưỡi, nếu đưa vào đúng, đủ tỷ lệ thì tôn tiểu cảnh lên, còn ngược lại sẽ phá hỏng toàn bộ kết cấu"-Bộ cho hay. Vì vậy Bộ không hay dùng những sản phẩm được sản xuất sẵn, mà dụng công tự tạo ra những chi tiết đáp ứng đúng yêu cầu về mỹ thuật và tỷ lệ của riêng mình. Với tượng sư tử, chó đá, ngựa..., Bộ tự tạo khuôn để làm, còn với những tượng phức tạp hơn như ông thiện, ông ác…, Bộ liên hệ với các đơn vị thi công để tạo ra những chi tiết chuẩn nhất theo ý mình.
Ngay cả với việc tạo rêu trên ngói, bờ tường, mặt sân để tăng sắc mầu thăng trầm tháng năm cho tiểu cảnh, Bộ kỳ công đi lấy những cây rêu nhung rồi xay nhuyễn, trộn đều với sữa chua không đường và quét lên vị trí cần, sau đó đem phơi chỗ thoáng mát, tưới nước liên tục từ hai tuần đến một tháng để rêu lên đẹp. Những cây cảnh bé xíu đưa vào mô hình được Bộ tự tay giâm, chiết cành, uốn tán... Ngoài chiếc máy cắt gạch cầm tay và máy khắc dạng nhỏ, tất cả các công đoạn làm tiểu cảnh đều được làm thủ công. Đó là lý do những mô hình của chàng trai 9X nhìn sống động và khác hẳn tiểu cảnh công nghiệp phổ biến trên thị trường. Đổi lại, thời gian Bộ thực hiện cũng lâu hơn, trung bình một công trình thi công mất ba tuần đến một tháng, có những công trình phức tạp hơn cần sáu tháng đến một năm mới hoàn thành.
Trương Văn Bộ tâm sự, ngày nhỏ, sở thích của mình bị bố mẹ phản đối kịch liệt vì lo ảnh hưởng đến học tập. Nhưng càng về sau càng nhận ra đam mê của con, cộng thêm Bộ vẫn cố gắng giữ vững phong độ học tập, nên bố mẹ dần chấp nhận và tiến tới ủng hộ con. Đặc biệt, từ năm nhất đại học, Bộ đã có đơn hàng đầu tiên với mô hình Chùa Một Cột. Và đến nay, việc biến hóa gạch vữa, xi-măng thành tiểu cảnh đã trở thành nghề chính của Bộ. Tùy theo mức đầu tư, mô hình nhỏ có giá từ 1 đến 2 triệu đồng, mô hình lớn công phu hơn thì từ 3 đến 7 triệu đồng, có mô hình lên tới 20 triệu đồng. Song vượt lên giá trị đơn thuần của một công việc mang đến thu nhập, đây còn là cách Bộ lan tỏa nét đẹp văn hóa của làng quê, nhất là khi hình ảnh những bến nước, sân đình... đang ngày càng ít đi trong nhịp sống đô thị hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết