|
Anh Thắng kể: “Ban đầu mình áp dụng trên 8.000m2 chè của gia đình. Cây chè đang quen với việc bón phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật rồi, mình chuyển sang bón phân hữu cơ, thuốc phòng sâu bệnh sinh học cây chè bị “sốc”, chỉ một tháng sau lá vàng sạch, mình cũng “sốc” theo. Tưởng là toàn bộ diện tích chè của gia đình bị chết, mình không ăn, không ngủ được. Sau đó bình tĩnh lại, mình tìm hiểu thì mới biết đó là khoảng thời gian cây chè đang phải thích nghi với phương pháp chăm sóc mới. Phải mất 6 tháng sau, cây chè mới dần lấy lại màu xanh và sinh trưởng bình thường.” Từ kinh nghiệm này, anh Thắng vận động, hướng dẫn các thành viên trong hợp tác xã kiên nhẫn và mạnh dạn thực hiện. |
Anh Thắng bảo, trồng chè và sản xuất chè theo phương pháp hữu cơ vừa phải kiên nhẫn lại vừa phải có trái tim bằng thép. Vì nếu nản, nếu sợ thất bại thì chẳng bao giờ dám theo đuổi. 6 đến 7 tháng đầu trồng chè hữu cơ, cây chè không cho thu hoạch lứa nào mà người trồng chè lại phải vất vả nhất. Anh Thắng cũng như các thành viên trong hợp tác xã tự mình đăng ký các lớp tập huấn về phương pháp trồng chè hữu cơ. Dần dần anh biết cách tự làm phân bón hữu cơ sinh học từ đậu tương, ngô và kỹ thuật ngâm, ủ để làm ra thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây chè từ các nguyên liệu như gừng, tỏi, ớt, rượu… |
Anh Thắng đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho cây chè.
Câu chuyện chuyển từ trồng chè theo phương pháp thông thường sang trồng chè theo phương pháp hữu cơ ở Trung Long là cả một kỳ tích của người nông dân bao năm gắn bó với cây chè. Hiện nay, Hợp tác xã Ngân Sơn - Trung Long có 8 thành viên, trong đó có 7 thành viên đang trồng chè hữu cơ với diện tích 3 ha. Bình quân mỗi năm, các thành viên thu từ 15 đến 16 tấn chè tươi và 3,1 tấn chè khô trên diện tích này. Giá chè được sản xuất theo phương pháp hữu cơ đang được hợp tác xã bán với giá cao nhất là 1.500.000 đồng/kg, thấp hơn một chút là 800.000 đồng/kg.
|
Những nương chè sản xuất theo phương pháp hữu cơ của các thành viên Hợp tác xã Ngân Sơn - Trung Long.
Anh Thắng cho chúng tôi biết, hiện nay chè hữu cơ do hợp tác xã sản xuất ra cũng đã được giới thiệu ở nhiều nơi tại các hội chợ thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, sản phẩm chè hữu cơ của hợp tác xã mới chỉ được cung ứng cho một số đại lý trong tỉnh và một số địa phương khác như Hà Nội, Hà Giang, Vĩnh Phúc. Anh Thắng cũng đã tham mưu cho UBND huyện ý tưởng xây dựng một phòng thưởng trà miễn phí tại Tân Trào nhằm giới thiệu với khách du lịch về tiềm năng, thế mạnh đối với việc sản xuất chè hữu cơ của huyện. “Thành công là dám thay đổi” - Đó là câu nói khi anh Thắng kể về chuyện làm chè hữu cơ của hợp tác xã vẫn còn đọng lại trong lòng tôi.
Câu chuyện làm chè hữu cơ mang đến thu nhập cao cho người trồng chè ở Trung Long đúng là phép màu nhưng không phải phép màu từ đâu đến mà đó là phép màu của lòng kiên nhẫn và dám nghĩ, dám làm. |
Gửi phản hồi
In bài viết