Nơi khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước
Theo các tài liệu lịch sử, ngày 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu uỷ Phân khu Nguyễn Huệ, do đồng chí Song Hào làm Bí thư, nhân dân xã Thanh La là một trong những chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên trong cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đà thắng lợi, quân khởi nghĩa tiến đánh và giải phóng đồn Đăng Châu (ngày 16/3/1945), thành lập chính quyền cách mạng châu Tự Do - một trong những chính quyền cách mạng cấp châu (huyện) đầu tiên trong cả nước.
Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi là phát súng đầu tiên trong cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 của tỉnh Tuyên Quang. Chính quyền cách mạng của nhân dân xã Thanh La, huyện Sơn Dương ra đời, là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) lãnh đạo cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đi đến thắng lợi cuối cùng, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là điều kiện để Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đình Thanh La đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, quản lý Đình Thanh La chia sẻ, theo lời kể của các thế hệ đi trước, mảnh đất này đã được bí mật xây dựng cơ sở cách mạng từ đầu năm 1943. Đến năm 1944, khắp thôn bản trong xã đều có cơ sở của Việt Minh. Sau cuộc mít tinh ở núi Thâm Nuầy, thôn Lê, các cơ sở chuẩn bị lực lượng chờ lệnh cấp trên tiến hành khởi nghĩa. Địa điểm khởi nghĩa được chọn là thôn Cầu Toa liên kết với Ao Búc, Khuôn Trú và Đồng Mà, đều thuộc địa phận Thanh La.
Ngày 10/3/1945 đã trở thành mốc son lịch sử chói lọi của Thanh La nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Chính tại đình Thanh La đã diễn ra cuộc mít tinh và khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp xã đầu tiên trong cả nước, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Vươn mình mạnh mẽ
Tự hào là “đốm lửa” cách mạng đầu tiên của tỉnh, bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Minh Thanh quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chủ tịch UBND xã Minh Thanh Nguyễn Ngọc Chinh chia sẻ: Đảng bộ xã đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và ý chí, khát vọng vươn lên trên quê hương cội nguồn cách mạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong xã.
Diện mạo nông thôn Minh Thanh không ngừng đổi mới.
Minh Thanh đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án được hỗ trợ để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển nông nghiệp. Mặc dù mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu đến năm 2025 xã về đích nông thôn mới, nhưng xã quyết tâm đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Đặc biệt, xã chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, như vùng sản xuất chè, vùng thâm canh lúa, rau màu; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo 100% nước tưới tiêu cho sản xuất. Hiện nay, xã có 2 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được đăng ký thương hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: gạo La Khai và sản phẩm chè sạch mang thương hiệu Thanh Trà. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp với gần 800 ha diện tích gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Đồng thời, chủ động tìm các giải pháp, xây dựng kế hoạch, từng bước hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch lịch sử, sinh thái, trải nghiệm của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 37 triệu đồng/năm.
Đến Thanh La hôm nay, dễ dàng cảm nhận trong vóc dáng của công cuộc hiện đại hóa nông thôn, tinh thần cách mạng vẫn thấm đượm trong ánh mắt, nụ cười của người dân. Tinh thần ấy, nay được thể hiện bằng quyết tâm, ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, ông Ma Văn Tuân, 76 tuổi, thôn Cò cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, diện mạo của xã thay đổi nhanh chóng, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đều được bê tông hóa, cứng hóa. Dân làng cũng đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Mô hình sản xuất chè hữu cơ của Tổ hợp tác trồng chè thôn Cảy
Ông Phạm Văn Minh, thôn Cảy chia sẻ: tự hào được sinh ra, lớn lên ở vùng quê cách mạng, mỗi người dân Minh Thanh đều không ngừng nỗ lực để vươn lên. Riêng ông Minh đã gương mẫu đứng lên thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ. Theo ông Minh, trồng chè hữu cơ năng suất không cao nhưng bù lại giá thành cao. Sản phẩm chè sạch Thanh Trà do ông Minh làm chủ, sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Những ngày này, ông cùng các thành viên tất bật với việc thu hoạch chè xuân phục vụ cho các đơn hàng từ thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...
78 năm đã trôi qua, nhưng những trang vàng son đã đánh dấu trong tiềm thức, ăn sâu vào máu thịt của những thế hệ hôm nay và tiếp nối đến mai sau. Nhìn những thôn xóm trù mật bên dòng suối Lê xanh trong cùng những con đường mới thẳng tắp nối các bản làng, mọi thứ nơi đây vẫn đang tiếp tục chuyển mình, để viết tiếp những trang đáng tự hào cho con cháu mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết