“Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”… Lời ca trong ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sỹ Từ Huy - Thanh Tùng luôn làm rạo rực mỗi trái tim người Việt, nhất là mỗi khi khoác trên mình chiếc áo dài. Trải qua bao giai đoạn thay đổi để phù hợp với thời đại, áo dài luôn được xem là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt. Tà áo thướt tha kín đáo, duyên dáng đủ sức tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng người phụ nữ Việt Nam. Dù có đi xa bất cứ nơi đâu, mỗi khi bắt gặp nét tha thướt của tà áo dài, là như thấy quê hương Việt ở đó.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Huyên ( TP Tuyên Quang) hưởng ứng Tuần lễ áo dài.
Hưởng ứng Tuần lễ áo dài, ở nhiều cơ quan, đơn vị được chị em chuẩn bị khá công phu, người thì đặt may, người thì “săn” các mẫu mã đẹp trên mạng. Đa số phụ nữ đều thích áo dài cho nên việc hưởng ứng Tuần lễ áo dài luôn được các chị em mong chờ, háo hức. Cô giáo Tăng Thị Thủy, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Không chỉ mặc áo dài khi đi dạy, mà vào các dịp lễ hay sự kiện cần sự trang trọng, tôi đều lựa chọn mặc áo dài. Vì vậy, khi cơ quan phát động Tuần lễ áo dài, tôi rất phấn khởi và hưởng ứng ngay. Hoạt động này giúp lan tỏa vẻ đẹp áo dài tại nơi công tác cũng như với cộng đồng”. Theo cô giáo Thủy, khi học sinh đến trường, nhìn thấy cô giáo trong tà áo dài thướt tha sẽ hình thành trong tâm trí mỗi học sinh hình ảnh đẹp về chiếc áo dài Việt Nam, từ đó giúp các em thêm yêu quý hơn trang phục truyền thống của dân tộc.
Những ngày này, hình ảnh người phụ nữ trong trang phục áo dài tại nơi làm việc, trong hội nghị, sự kiện đã lan tỏa trên mạng xã hội. Nét đẹp áo dài, vẻ đẹp người phụ nữ Việt đã được cư dân mạng đón nhận và dành nhiều lời ngợi khen... Chị Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình phấn khởi nói, chị rất hào hứng với Tuần lễ áo dài, bởi mỗi khi mặc trang phục đặc biệt này, chị thấy áo dài không chỉ là trang phục giúp làm cho người phụ nữ trở nên duyên dáng, mềm mại mà còn khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đồng chí Nông Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2023, từ ngày 1 đến 8-3, Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động hưởng ứng trên cơ sở kết hợp, lồng ghép trong các hoạt động kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3... Qua đó, nhằm tôn vinh giá trị áo dài Việt, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh vận động ủng hộ áo dài cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của các công đoàn cơ sở. Sau một thời gian vận động, đến nay đã có gần 1.200 bộ áo dài được trao đến tay các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Rạng rỡ trong tà áo dài do Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang trao tặng chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân phân xưởng sản xuất chế biến gỗ xúc động nói: “Do điều kiện, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên việc may được chiếc áo dài là điều khó khăn đối với tôi. Trước kia nếu có đi đâu, hay công ty có tổ chức sự kiện gì tôi lại đi mượn của bạn bè để mặc. Vừa qua, tôi được công đoàn của công ty tặng một bộ áo dài truyền thống từ các đoàn viên công đoàn cơ sở trao tặng, tôi rất hạnh phúc”.
Áo dài Việt Nam là y phục truyền thống và là một trong những biểu tượng về nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Chính vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền áo dài cho các thế hệ sau là nhiệm vụ quan trọng không của riêng ai. Với sự hưởng ứng tích cực trong Tuần lễ áo dài của hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa “Áo dài” của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết