Ngay từ tháng đầu tiên trong năm 2022, các phiên giao dịch việc làm Online tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thu hút đông đảo người tham gia. Qua các kênh thu thập thông tin của trung tâm, nhu cầu tuyển dụng việc làm có xu hướng tăng so với năm trước. Trong đó tập trung vào các ngành nghề như dệt may, cơ khí, sản xuất linh kiện điện tử, thương mại - dịch vụ. Nhiều công ty trên địa bàn tỉnh cũng đăng tải kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong năm mới để đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất như Công ty cổ phần May Yên Sơn, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty May K&L Fashion, Công ty TNHH Sản xuất Giày Chung JYE Tuyên Quang - Chi nhánh Yên Sơn…
Chị Hoàng Thị Khuyên, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) sau một thời gian chuyển công ty từ Bắc Ninh, Thái Nguyên sang Hải Dương, chị có mong muốn tìm công việc ổn định, gần nhà. Thông qua giới thiệu của trung tâm, chị biết Công ty cổ phần May Yên Sơn (Tuyên Quang) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí với mức lương trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng và áp dụng nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn. Hiện chị đang hoàn thiện hồ sơ xin việc để gửi bộ phận tuyển dụng của công ty.
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm Online đầu năm 2022.
Không giống với chị Khuyên, chị Phạm Thị Hương, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) là một trong những lao động không may bị mất việc làm do đại dịch Covid-19. Chị Hương chia sẻ, sau thời gian nghỉ việc, chị chủ yếu nhận làm thêm các công việc tại nhà. Chị nghĩ, đầu năm 2022 là thời điểm tốt để những lao động mất việc như chị tìm kiếm việc làm mới hoặc quay trở lại các công ty khi các tỉnh, khu công nghiệp đang chủ động khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế với những giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Hiện tại, chị đã có kế hoạch quay trở lại làm việc tại TP. Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết.
Để đảm bảo công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức khảo sát, khai thác thị trường lao động tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với trình độ, mức lương phù hợp với lao động của tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm cũng khai thác tiềm năng của hoạt động xuất khẩu lao động trong năm 2022 để giới thiệu cho người lao động. Cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, trung tâm cũng phấn đấu mở rộng đến các thị trường tiềm năng khác như Nga, Úc… Qua đó, tạo điều kiện để nhiều lao động tìm kiếm được việc làm ổn định với mức thu nhập hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm cho biết, tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 5 tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc tổ chức giữa tháng 1-2022, đã có 45 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tuyển dụng. Trong đó, có 91 vị trí việc làm trống có nhu cầu tuyển 13.455 lao động được giới thiệu, hàng trăm lượt lao động đã được tham gia phỏng vấn trực tuyến. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
Năm 2022, tỉnh ta phấn đấu giải quyết việc làm cho 21.500 lao động. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tích cực phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Cùng với đó, việc đẩy mạnh giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, kết nối thông tin tuyển dụng lao động để đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động tiếp tục được duy trì, góp phần tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết