Cùng với đó là cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đề xuất của Bộ Nội vụ đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Chúng ta đều biết, bên cạnh những ngành đặc thù việc quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoặc chứng chỉ hành nghề là điều cần thiết. Song, với nhiều ngành, lĩnh vực việc quy định các loại chứng chỉ còn mang tính hình thức, nhất là chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Thực tế cho thấy rất nhiều công chức, viên chức đã phải đăng ký học ngoại ngữ, tin học không vì mục đích phục vụ cho công việc chuyên môn mà chỉ vì để đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Nhiều công chức, viên chức mặc dù có trình độ đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm nhưng vẫn phải tìm cách đăng ký đi học để lấy chứng chỉ, dù chứng chỉ đó không hề giúp họ nâng cao chất lượng công tác chuyên môn mà chỉ vì cho đủ thủ tục. Điều này đã gây ra sự lãng phí không ít về thời gian, tiền bạc, thậm chí dẫn đến tình trạng tiêu cực “mua, bán” các văn bằng chứng chỉ.
Có thể thấy rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc thay đổi các quy định không còn phù hợp về chứng chỉ sẽ giúp cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức trút bỏ được “gánh nặng” về chứng chỉ. Dư luận cũng mong muốn đề xuất này sớm được triển khai trong thực tế. Song song với việc bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng cần tiến hành ngay việc rà soát mức độ cần thiết, điều kiện bắt buộc về nội dung, chương trình đào tạo có xuất phát từ yêu cầu tiêu chuẩn vị trí việc làm hay không. Nếu không phù hợp thực tế thì nên mạnh dạn loại bỏ, tránh cho công chức, viên chức phải học lại kiến thức cũ, học lại cái đã được học, thậm chí đã và đang làm thành thạo rồi, dẫn tới lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của người đi học, thậm chí dễ làm nảy sinh các tiêu cực như “mua, bán” văn bằng, chứng chỉ.
Gửi phản hồi
In bài viết