Với cách can thiệp thô bạo vào đời sống tình cảm của con trai, dựng chuyện, tính cách bốc đồng, là nguồn cơn của mọi mâu thuẫn trong gia đình..., nhân vật bà Xuân đã gây ức chế cho khán giả. Thực tâm, nhiều khán giả mong muốn bà phải trả giá cho việc làm của mình để từ đó tỉnh ngộ, trở thành bài học cho nhiều người khác. Tuy nhiên, việc bộ phim xây dựng chi tiết ông Khang - một doanh nhân có học thức, quan hệ xã hội rộng, luôn mong muốn một gia đình hòa thuận, nền nếp - không giữ được bình tĩnh dẫn đến tát vợ trước mặt cả nhà lại khiến nhiều khán giả cảm thấy thất vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, một người chồng tát vợ trước mặt cả nhà là hành vi bạo lực cả về thể xác và tinh thần. Hành vi này không thể khiến người ta “tỉnh ngộ”, “nhận được bài học” mà chỉ làm cho đôi bên ức chế, đẩy mâu thuẫn đi xa hơn... Nhân vật ông Khang có nhiều cách để vợ hiểu vấn đề hơn là dùng vũ lực. Và đó là điều mà khán giả mong chờ, như một cách gợi ý để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của họ một cách đúng đắn hơn. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng với chi tiết này, biên kịch và ê kíp làm phim đã vô tình cổ vũ cho thói gia trưởng, hành vi bạo lực gia đình.
Với phần đông khán giả, phim truyền hình không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là cách để họ tiếp cận với những câu chuyện từ đời sống, tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật, hay học được một bài học nào đó. Bạo lực gia đình đang là một vấn đề nan giải và khán giả mong phim sẽ đưa ra những gợi ý tốt hơn để giải quyết mâu thuẫn gia đình. Những hành vi bạo lực, đặc biệt là bạo lực gia đình, khi đưa lên phim phải hết sức cân nhắc để đảm bảo ý nghĩa phê phán, hướng tới việc xây dựng lối ứng xử văn minh trong gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết