Có lẽ với tất cả người dân Việt Nam, hình ảnh vùng nông thôn với đồng ruộng, những con vật nuôi quen thuộc như trâu, bò, lợn, gà... đều mang đến một cảm giác rất đỗi dung dị, gần gũi, thân thương. Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam.
Trong tranh dân gian Đông Hồ, những con gà, đàn lợn, con trâu... in trên giấy điệp với đường nét sinh động, màu sắc rực rỡ chính là thể hiện mong ước của nhân dân ta về một cuộc sống sung túc, no đủ... Với mỹ thuật hiện đại, đây cũng là đề tài một thời sôi nổi khi có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng tham gia sáng tác. Tuy nhiên, cũng khá lâu, công chúng chưa được thưởng thức những triển lãm riêng về đề tài này.
Chính bởi vậy, khi xem tranh của danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương như Trần Văn Cẩn, hay những lứa họa sĩ tên tuổi kế tiếp như Lưu Công Nhân, Sỹ Tốt, Thục Phi... vẽ về đề tài chăn nuôi, không ít khán giả cảm thấy bất ngờ, thú vị. Đó là hình ảnh những con trâu mải miết cày bừa trên cánh đồng hợp tác xã trong “Một buổi cày” của Lưu Công Nhân, đàn bò được chăn thả tự do trong tác phẩm “Đàn bò Việt Bắc” của Sỹ Tốt, cô dân quân mải mê “Thái chuối nuôi lợn” trong tác phẩm của Trần Văn Cẩn, hay bé gái một tay vuốt ve thân gà, một tay âu yếm cho gà mổ thóc trong “Bé cho gà ăn” của Nguyễn Phú Cường...
Những tác phẩm được trưng bày không chỉ phản ánh hơi thở cuộc sống lao động bình dị mà nên thơ của người nông dân Việt Nam, mà còn cho thấy sự gần gũi với truyền thống, trân trọng bản sắc văn hóa Việt Nam của các họa sĩ dù họ đã tiếp xúc và chiêm nghiệm những khuynh hướng sáng tác hiện đại của nghệ thuật phương Tây.
Ngoài triển lãm “Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật”, thời gian gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mang đến cho công chúng nhiều triển lãm chuyên đề bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, công chúng được tiếp cận nhiều hơn với những tác phẩm quý trong bộ sưu tập của bảo tàng, mang đến cảm xúc nghệ thuật nhẹ nhõm, thú vị rất đáng quý ngay cả trong những ngày dịch dã.
Gửi phản hồi
In bài viết