Trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam ngày 10-11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chính ông Joe Biden, sau khi kết thúc thành công chuyến thăm, đã viết trên mạng xã hội X (mạng Tiwtter cũ) rằng: “Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, Việt Nam. Tôi biết đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử”.
Rõ ràng là lịch sử, lịch sử được thiết lập bởi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là việc Mỹ coi trọng thể chế chính trị Việt Nam và vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí rằng, những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ là tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút nhiều nguồn lực mới cho Việt Nam.
Rõ ràng là lịch sử, bởi những bước tiến rất dài trong quan hệ giữa hai nước, từ xung đột, hiểu lầm đến bình thường hóa và nâng tầm quan hệ, để bây giờ, Mỹ là nước thứ 5 mà Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Và hơn thế, lịch sử được thể hiện bằng những cột mốc, con số hết sức cụ thể, ví như: Quan hệ Việt Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013, với nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra. Hai bên hợp tác trên mọi lĩnh vực, thương mại Việt - Mỹ đạt hơn 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong khu vực ASEAN. Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Mỹ tìm kiếm, xác định và trao trả hài cốt của 733 quân nhân Mỹ mất tích...
Mỹ là quốc gia thứ 5 trên thế giới mà Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Nhưng đó chưa phải là điểm dừng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 vào sáng ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính có khẳng định rằng: Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng với nhiều sự kiện ngoại giao sôi động, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên...
Không có gì phải băn khoăn khi nói rằng, Việt Nam là điểm đến của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới. Điều này khẳng định sự đúng đắn trong đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam, với những đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Chỉ trong những ngày đầu tháng 11/2023, Việt Nam đã đón 2 nguyên thủ các quốc gia trên thế giới: Từ 1 - 5/11, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và phu nhân Bolortsetseg Luvsandorj có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, nhân dịp 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1953 - 2023). Từ 1 - 2/11, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2023). Từ ngày 12 đến 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; từ ngày 11 đến 12-12-2023 Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam; từ ngày 6 đến 7/1/2024, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào...
Những thành tựu trong hoạt động đối ngoại thêm một lần nữa chứng tỏ sự khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín ấy được xác tín bởi sự ổn định về chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng. Là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt, thể hiện rõ việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... Những cơ sở, điều kiện ấy tạo nền tảng, sức hút để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư bền vững và chất lượng. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - OECD diễn ra tại Hà Nội sáng 27/10/2023, với hơn 150 đại biểu tham dự, các diễn giả đều nhận định rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh lâu dài tại khu vực, đặc biệt tiềm năng trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tài chính, công nghệ năng lượng mới...
Thành tựu được xác lập rõ ràng, với những minh chứng thuyết phục ở nhiều lĩnh vực, trên diện rộng không chỉ trong nước mà trên cả thế giới, nhưng để tiếp tục duy trì, nâng tầm tiềm lực, vị thế và uy tín, cải thiện, xây đắp vững chắc cơ đồ Việt Nam trong tương lai, chúng ta cần tiếp tục “tự soi”, “tự sửa”, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã duy trì thường xuyên, ngày càng được coi trọng, thực hiện quyết liệt hơn.
Chỉ có dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đối diện và cải thiện để sự thật được tốt hơn, mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Không cách nào khác, đó vẫn phải là công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được cùng sự kiên trì, kiên quyết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực... Chỉ có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt như thế, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng về cái đích mà người dân cả nước luôn hướng đến là “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết