Trái thế tất là suy vong. Vì, “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế… không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Nói cách khác, bất cứ thể chế nào, muốn phát triển và trở nên hưng thịnh cũng phải cần có đội ngũ trí thức, tôn trọng và phải biết trọng dụng trí thức.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang nhận giải Tập thể xuất sắc của Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt và phát triển của thế giới hiện nay càng xác tín, lãng phí lớn nhất là lãng phí trí thức, cạnh tranh lớn nhất là cạnh tranh nhân tài. Không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Việt Nam ta không thể trở nên hùng cường và Dân tộc không thể trường tồn, nếu không tôn vinh, trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với trí thức. “Phi trí bất hưng”. Trọng đãi trí thức chính là thước đo sức mạnh và uy tín Việt Nam. Đến lượt nó, Quốc thể Việt Nam chính là “hàn thử biểu” của sự phát triển đội ngũ trí thức nước nhà.
Thực tiễn lịch sử chứng minh, ở những bước ngoặt của sự phát triển quốc gia, đặc biệt trong cuộc dọn dẹp hủ bại, chấn hưng và phát triển Đất nước, tận tâm tôn vinh và hết lòng trọng đãi trí thức, nhất định nước cường, dân thịnh, dù không cầu ắt cũng tự đến.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc và thành tâm tự nhận lỗi về trọng sự với trí thức, hiền tài: Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Và, trong suốt cuộc đời mình, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tiên phong tôn trọng và mời gọi trí thức vì sự phát triển và phú cường của Đất nước.
Tôn tài đại thịnh!
Đó là bài học lớn về phát triển con người và trọng đãi trí thức và cũng là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn năm 2045: Tất cả vì Hạnh phúc của Nhân dân. Đó là Quốc sách phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam.
Khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển nhân tài mà rường cột là phát triển đội ngũ trí thức, dù là chính trị gia, khoa học gia hay doanh gia. Công cuộc đổi mới cần tất cả mọi người, trước hết là những trí thức có óc nghĩ trước, dũng cảm đi trước, tiên phong chịu trách nhiệm, thậm chí chấp nhận hy sinh trước, vì quốc gia dân tộc, một cách xứng đáng và ngang tầm. Điều đó tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được anh tài, hun đúc, gìn giữ và phát triển “nguyên khí quốc gia”. Do đó, tiếp tục hoàn thiện và thực thi Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia trong tầm nhìn 2045, trước mắt tới năm 2030, trong đó đội ngũ trí thức giữ vị thế xứng đáng, với tư cách là một quốc sách xứng tầm.
Đổi mới cơ chế, hoàn thiện bộ thể chế tương dung bảo đảm sự hoạt động sáng tạo và thống nhất đội ngũ chính trị gia - chiến lược gia - quản trị gia - kỹ trị gia và doanh gia, với phương châm: Trọng thị - Trọng dụng - Trọng đãi thật cầu thị và chân thành, thật công bình và chính trực, thật dân chủ và khoa học, thật quang minh và chính đại mang tầm chiến lược. Ở đây, quyết không có chỗ cho sự hẹp hòi, thiển cận, cục bộ, càng không dung thứ những thói kỳ thị, thậm chí xa lánh và đây đó cả sự trù dập trí thức một cách kém nát nhân văn làm mất không ít trí thức, không ít bậc nhân tài. Tiếp tục xây dựng và phát triển môi trường xã hội - chính trị xứng đáng, chăm lo và bảo vệ văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật để trí thức đứng khắp trong đội ngũ lãnh đạo, quản trị quốc gia, trên khắp mọi lĩnh vực và ở khắp nơi xứng đáng giữ vai trò tiên phong khai hóa và là động lực phát triển Đất nước ngang tầm thế giới là nhân tố mang ý nghĩa quyết định.
Toàn cảnh TP Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh
Không thể để trí thức lẫn vào ngụy trí thức. Dù thế nào trí thức vẫn giữ liêm sỉ vô giá, danh dự thiêng liêng, dù sinh tử chẳng thể đổi thay. Khi trí thức giữ trọng sự chính trị gia, kỹ trị gia quyết đặt Dân tộc, Tổ quốc, nòi giống lên trên hết, đề cao sự đoàn kết dân tộc, để muôn người quy về một mối thì vạn sự dù sinh tử tới đâu lo gì không hóa giải được. Vì thế, ở đây, những người được trao quyền chọn người của bộ máy, nhất là chọn nhân tài, trước hết phải hàm 10 chữ: Trung thực - Khách quan - Dũng cảm - Trách nhiệm - Trong sạch.
Cổ nhân thường xem trọng “giáo” trước “chính”, tức là đặt công việc “giáo hóa” lên trên và trước công việc “chính trị”. Người đảm nhiệm công việc khó khăn đó, không ai khác, là trí thức. Trọng trí thức là hằng số xuyên lịch sử, là “vun trồng nguyên khí quốc gia”, là làm vẻ vang nòi giống. Trí thức chân chính hành động và hội nhập quốc tế cần vì uy tín, danh dự thiêng Việt Nam và cũng để thỏa cái chí, cái khí của người trí thức; là khẳng định bản ngã cũng chính là sự kết tinh và thăng hoa của “trí tuệ dân tộc” hòa mình vào trí tuệ của thời đại, góp phần khẳng định bản lĩnh, phẩm giá, sức mạnh và uy tín Việt Nam một cách quang minh lỗi lạc và không hổ thẹn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, dân chủ là làm cho Dân được mở cái miệng ra thì tranh luận, phản biện một cách dân chủ là con đường ngắn nhất dẫn tới chân lý, là môi trường chính trị nhân văn bậc nhất để trí thức sáng tạo xây dựng một nền học thuật chân chính Việt Nam làm cái căn cơ để phát triển thịnh vượng nước nhà. Và, đó cũng là phương thức để phá bỏ những lối mòn, cửa hẹp từng bó mình lẽo đẽo đi theo người khác, để xây đường lớn sáng tạo một cách tự do và dân chủ, vì danh dự và uy tín của một Dân tộc muôn đời trọng trí thức.
Người trí thức luôn tự răn mình mà cẩn trọng “gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng hổ, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn”. Đức như cái gốc, tài như lá, cành. Chỉ trong hành động vì Nước vì Dân, thì tâm và đức mới xuyên thấm trong nhau, tài mới tỏa sáng, mới xứng là danh sĩ của muôn đời. Vì danh dự của giống nòi, mạnh bước qua tiểu tiết, dũng cảm nhập thế và “đánh thức xã hội”; vì thúc thủ, buông xuôi trước Nhân dân khao khát tiến bộ, văn minh càng mắc tội to. Nhưng, trước sứ mệnh đất nước, nếu kiêu căng, tự đại sẽ tự dồn mình vào chỗ thất bại và nếu phách lối, thớ lợ, ngả nghiêng, không giữ được trung chinh, liêm chính nhất định tự đẩy mình tới chỗ nguy nan.
Tầm nhìn-Sáng tạo-Dũng cảm-Liêm chính - Nhân văn phải là tư chất bất di bất dịch và là bộ gien truyền đời vì Đất nước của trí thức Việt Nam!
Phi trí bất hưng!
Vì thế, hơn hết lúc nào, hiện nay và sắp tới, rất cần kiến tạo và ban hành Luật Nhân lực và Trí thức! Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá.
TS. Nhị Lê
Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Gửi phản hồi
In bài viết