Kế thừa và phát huy nền tảng lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay

- Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943) là văn kiện mang tầm cương lĩnh của Đảng ta về văn hóa. Trong suốt hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn kế thừa và phát huy nền tảng lý luận của văn bản quan trọng này trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, ngày 27-2-2023 _Ảnh: TTXVN

Những giá trị lý luận cốt lõi của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam

Ra đời năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương) do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam trong tình thế khó khăn và cấp bách lúc bấy giờ. Với hệ thống các khái niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục đích, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam, những nhiệm vụ cần kíp để thực hiện các mục tiêu đề ra được trình bày một cách khoa học, Đề cương đã thể hiện khái quát sự nắm bắt sâu, rộng những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn hóa Việt Nam khi đó, đặt nền móng căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

Tuy mới ở dạng “đề cương” với các luận điểm vắn tắt, ngắn gọn, song Đề cương đã đề cập nhiều nội dung then chốt của văn hóa Việt Nam, như: Mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, văn hóa với chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa, nghệ thuật; nội dung cuộc đấu tranh về học thuyết, tư tưởng; phương thức chống lại các xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan; sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử... Chính vì thế, bản Đề cương có ý nghĩa lớn lao góp phần thống nhất tư tưởng, nhận thức, học thuật, định hướng cho giới văn nghệ sĩ, trí thức đang hoang mang, bi quan, mất phương hướng khi đó, đồng thời trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới sau này.

Đề cương đã xác định rất chuẩn xác ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa; đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ, cách thức, giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu đó, như: Chống văn hóa phát xít, phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương; tranh đấu về học thuyết, tư tưởng, tông phái văn nghệ; tranh đấu cho tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu tiếng nói dân tộc, cải cách chữ quốc ngữ, chống nạn mù chữ; tuyên truyền và xuất bản, tổ chức các nhà văn; tranh đấu giành quyền lợi cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ... Đây vừa là những nền tảng lý luận then chốt, vừa có ý nghĩa thực tiễn thiết thực giúp dẫn dắt, định hướng hành động cho những người làm văn hóa, văn nghệ khi đó.

Về nguyên tắc “dân tộc hóa”: “Dân tộc hóa” theo tinh thần của Đề cương là nhằm chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, chống lại văn hóa thực dân, phát xít, phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân, từ đó giúp cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Tại thời điểm đó, nguyên tắc “dân tộc hóa” với cách hiểu như vậy là hoàn toàn đúng đắn và xác đáng. Sự khát khao có một nền văn hóa độc lập đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thể hiện trong nỗ lực chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc, tiếp đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tất cả những kẻ xâm lược đều thực hiện chính sách văn hóa nô dịch, kìm hãm dân chúng trong vòng ngu tối để dễ bề cai trị, đề cao văn hóa ngoại lai, hạ thấp văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc “dân tộc hóa” là vô cùng cần thiết và đúng đắn để thức tỉnh giới văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa, đấu tranh với các quan điểm lệch lạc, sai trái, từ đó hướng tới xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự chủ. “Dân tộc hóa” là đấu tranh để bảo vệ, làm giàu tiếng nói dân tộc, cải cách chữ quốc ngữ; là kiên quyết bảo vệ, giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc, chống lại văn hóa ngoại lai.

Từ sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đất nước giành được độc lập, chủ quyền và trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, nguyên tắc “dân tộc hóa” đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó đấu tranh chống lại mọi ảnh hưởng, tàn dư của văn hóa phong kiến, tư sản, nô dịch, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa Việt Nam, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về nguyên tắc “đại chúng hóa”: “Đại chúng hóa” theo tinh thần của Đề cương là nhằm chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng. “Đại chúng” ở đây được hiểu là quảng đại quần chúng, quần chúng nhân dân. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam khi đó, đây là một nguyên tắc rất mới và tiến bộ khi lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, quần chúng nhân dân lao động được xác định vừa là đối tượng phản ánh, vừa là chủ thể sáng tạo, hưởng thụ của văn hóa, nghệ thuật; đối lập với tính đẳng cấp, đặc quyền, đặc lợi trong thời phong kiến và thời kỳ Pháp thuộc, cũng như tính chất xa đại chúng, phản đại chúng của văn hóa, nghệ thuật lúc bấy giờ ở nước ta (thể hiện ở xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, thái độ coi khinh người lao động trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật). Nguyên tắc đại chúng hóa đã kế thừa quan điểm truyền thống bao đời của dân tộc Việt Nam khi đề cao tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thể hiện sự coi trọng vai trò, giá trị của quảng đại quần chúng nhân dân. Quan điểm tiến bộ này đã góp phần khẳng định tính dân chủ, nhân dân của nền văn hóa mới, nhờ đó mà Đảng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc để giành được những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử.

Về nguyên tắc “khoa học hóa”: “Khoa học hóa” theo tinh thần của Đề cương là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, như mọi hình thức lạc hậu, thần bí, phản khoa học, cản trở sự phát triển của văn hóa; từ đó đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học, những giá trị văn hóa mới, tiến bộ, góp phần làm cho văn hóa nước nhà ngày càng phát triển. Khoa học trở thành nền tảng của nhận thức và hành động để phê phán những di hại của quá khứ, đấu tranh với những luận thuyết phản động để định hướng phát triển nền văn hóa mới. Nhìn lại lịch sử có thể thấy trong suốt thời kỳ phong kiến, đất nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, trì trệ với lối học hành khoa cử, chưa quan tâm đến khoa học thực nghiệm, trình độ hiểu biết về khoa học của nhân dân rất hạn chế. Do vậy, tại thời điểm những năm 40 của thế kỷ XX, “khoa học hóa” là một nguyên tắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính đúng đắn khách quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, cũng như trong việc đấu tranh mạnh mẽ chống những quan niệm, học thuyết sai lạc, bảo thủ, duy tâm, từ đó đổi mới và nâng cao nhận thức của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ.

Lịch sử đã chứng minh, việc triển khai ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa trong thực tiễn cách mạng Việt Nam đã có tác dụng lớn lao, giúp nền văn hóa nước ta từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự chủ, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc sau này.

Nét vẽ tài hoa của nghệ nhân làng sơn mài Hạ Thái (tác giả: Nguyễn Thị Minh Hải) _Nguồn: Tư liệu

Kế thừa và phát huy những giá trị lý luận cốt lõi của Đề cương trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam

Những vấn đề lý luận then chốt đặt ra trong Đề cương đã trở thành nền tảng định hướng đường lối phát triển của văn hóa Việt Nam. Trong suốt hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn quán triệt tinh thần của bản Đề cương, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung, vận dụng sáng tạo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước và bối cảnh thời đại trong từng giai đoạn cách mạng.

Năm 1948, trong báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa được diễn giải là: Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Năm 1957, trong thư gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng cũng giải thích rõ hơn: Văn nghệ phải có tính dân tộc, khoa học, đại chúng, hay nói một cách khác, có tính chất dân tộc, hiện thực, nhân dân. Những nội dung này tiếp tục không ngừng được điều chỉnh, bổ sung qua các kỳ đại hội của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ III, IV, V thống nhất đề cao tính dân tộc, tính Đảng, tính nhân dân trong văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định quan điểm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó yếu tố tiên tiến dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiên tiến. Tiên tiến còn hàm nghĩa những giá trị văn minh, hiện đại, tiến bộ của nhân loại. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã tổng hợp những điều chỉnh, bổ sung, phát triển các nguyên tắc nêu trên thành bốn đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam, gồm: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, các nguyên tắc mà Đề cương đề ra vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy tác dụng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nội hàm của nó cần được hiểu rộng và sâu hơn, đa chiều và đa nghĩa hơn.

Trước tiên, dân tộc hóa không chỉ là “chống” các ảnh hưởng xấu từ bên ngoài, mà còn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc và kiểm nghiệm để làm giàu có, phong phú cho nền văn hóa dân tộc. Dân tộc hóa là cần coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và phát huy những giá trị di sản văn hóa - nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn quý giá trong phát triển kinh tế - xã hội (nhất là trong phát triển du lịch văn hóa). Bên cạnh đó, dân tộc hóa không có nghĩa là độc tôn văn hóa, chỉ đề cao văn hóa của dân tộc mình, cách nghĩ, cách cảm của dân tộc mình, mà cần tôn trọng sự đa dạng, phong phú của các biểu đạt văn hóa, sự tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật với các trào lưu, khuynh hướng, trường phái văn hóa, văn học, nghệ thuật trên thế giới. Đặc biệt, nguyên tắc có sự gắn kết chặt chẽ với bản sắc văn hóa dân tộc, kết tinh trong hệ thống các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo nên cốt cách, tinh hoa, “quốc hồn, quốc túy” cho văn hóa Việt Nam, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiện nay, dân tộc hóa được gắn với quốc tế hóa. Khi các giá trị văn hóa dân tộc được quảng bá rộng rãi ra thế giới giúp nâng tầm văn hóa quốc gia - dân tộc; đồng thời qua đó tạo điều kiện để văn hóa dân tộc được tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu cho văn hóa nước nhà, củng cố bản sắc dân tộc, có những đóng góp nhất định vào bức tranh chung của văn hóa nhân loại. Bài học Hallyu của Hàn Quốc là một ví dụ. Thời gian qua, các sản phẩm văn hóa của nước ta, như múa rối nước, xiếc tre, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, áo dài, phở, nem... ngày càng chinh phục thế giới. Chúng ta cần thúc đẩy để quá trình này trở nên đa dạng và rộng rãi hơn, bao gồm cả những sản phẩm đương đại, như đưa phim Việt, nghệ thuật biểu diễn Việt, mỹ thuật Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế.

Thứ hai, nguyên tắc đại chúng hóa cũng luôn được Đảng ta không ngừng hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình lãnh đạo văn hóa, văn nghệ. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở thế kỷ XX, quần chúng nhân dân, nhất là lực lượng công - nông - binh đã trở thành đối tượng chính của sự phản ánh và thưởng thức văn hóa, nghệ thuật. Sau này, đại chúng hóa được phát triển thành tinh thần dân chủ trong văn hóa Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Do đó, người dân được bảo đảm các quyền cơ bản, trong đó có quyền sáng tạo, tiêu dùng và thụ hưởng văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa được tạo dựng bởi nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, dành cho nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Trong bối cảnh mới, nguyên tắc đại chúng hóa của nền văn hóa còn thể hiện ở việc nâng cao đời sống văn hóa của toàn dân, xóa bỏ sự bất bình đẳng và những chênh lệch trong cơ hội sáng tạo, tiếp cận, thụ hưởng và tiêu dùng văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân cũng như giữa các vùng, miền trong cả nước. Vấn đề này luôn được Đảng ta khẳng định nhất quán trong các văn kiện của Đảng và nỗ lực hiện thực hóa trong thực tiễn. Hiện nay, với sự phổ cập của giáo dục và văn hóa, trình độ dân trí của nhân dân đã được cải thiện, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, cần chú trọng vun đắp, bồi dưỡng, phát triển văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học, văn hóa đỉnh cao của bộ phận ưu tú trong xã hội, kết tinh được tinh hoa, trí tuệ của nhân dân, tạo ra bước ngoặt về tư tưởng, học thuật, khoa học..., góp phần phát triển đất nước.

Nghi thức dâng bánh chưng, bành giầy tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) _Ảnh: TTXVN

Thứ ba, đối với nguyên tắc khoa học hóa, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhất là khi đứng trước các cơ hội và thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguyên tắc này càng cần được chú trọng và đề cao, đồng thời cần được vận dụng linh hoạt, có bổ sung, phát triển để phù hợp với điều kiện và bối cảnh mới. Tính chất khoa học của nền văn hóa nước ta được phát triển thành tính chất tiên tiến với hàm nghĩa là một nền văn hóa phát triển hiện đại, tiến bộ dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiến bộ, khoa học và cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khoa học hóa không chỉ chống lại những gì trái khoa học, phản tiến bộ, cổ hủ, lạc hậu, mà còn là phát huy những thuần phong, mỹ tục, khai thác những tri thức dân gian, tri thức địa phương trên nhiều lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cần không ngừng học hỏi để bổ sung, hoàn thiện nhận thức khoa học, tiếp thu những thành tựu mới của tư tưởng, học thuật, khoa học của thế giới; tạo dựng một môi trường lành mạnh, tự do, dân chủ trong nghiên cứu khoa học.

Cùng với việc kế thừa, phát huy và phát triển những giá trị lý luận cốt lõi của Đề cương, trong điều kiện hiện nay, Đảng ta còn bổ sung thêm những giá trị mới phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập, như giá trị nhân văn. Nhân văn hàm nghĩa nền văn hóa đề cao tình yêu thương con người, lòng nhân ái, khoan dung, nghĩa tình, coi trọng con người. Nhân văn là luôn hướng đến sự hoàn thiện, đến chân - thiện - mỹ, bảo vệ con người, tôn trọng các quyền của con người, hướng tới xây dựng một xã hội bền vững, tiến bộ. Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay là nền văn hóa trọng nghĩa tình, đề cao nhân phẩm, yêu thương con người, yêu thương đồng loại: “Thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá rách”. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường khắc nghiệt hiện nay, lối sống vị kỷ, vô cảm, chà đạp lên tình nghĩa đang có chiều hướng gia tăng. Do vậy, rất cần củng cố, vun đắp giá trị nhân văn để bồi đắp lòng nhân ái, nghĩa tình, những nét đẹp vốn có trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, bối cảnh hội nhập quốc tế với nhiều biến động phức tạp, khó lường đòi hỏi chúng ta phải phát triển và vận dụng Đề cương một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình mới để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

GS, TS TỪ THỊ LOAN

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng chuyên mục