Ngăn chặn bệnh bạch hầu xâm nhập vào địa phương

- Sau khi tại tỉnh Nghệ An ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc bệnh bạch hầu, đến nay, tại các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang liên tiếp ghi nhận các trường hợp F1 liên quan. Tại tỉnh tuyên quang, hiện nay chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu và chưa có trường hợp F1 nào liên quan đến bệnh bạch hầu. Tuy nhiên người dân cũng không nên chủ quan với bệnh bạch hầu. Để người dân hiểu và nhận biết rõ hơn về bệnh bạch hầu để phòng tránh, phóng viên Báo tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết bệnh bạch hầu có những biểu hiện nào và mức độ nguy hiểm ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Bệnh nhân mắc bạch hầu sẽ có triệu chứng diễn ra trong khoảng 2 - 5 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đau họng, ho và sốt nhẹ kèm theo ớn lạnh. Những triệu chứng này sẽ biến chuyển trầm trọng hơn theo thời gian. Những triệu chứng này khá giống với cảm lạnh nên nhiều gia đình không nhận biết được trẻ đang bị phơi nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Tùy theo vị trí vi khuẩn bạch hầu phát triển, mỗi bệnh nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Ca bệnh lâm sàng sẽ có các dấu hiệu như: viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi đi khám thấy có giả mạc (chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh viêm kết mạc có chiều hướng nặng thêm). Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hòa tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.

Phóng viên: Một vấn đề mà hiện nay nhiều người dân quan tâm là liệu căn bệnh này có thể chữa khỏi không, và tỉ lệ tử vong ra sao thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc điều trị. Bệnh được điều trị khỏi khi được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh tiến triển vẫn có thể ảnh hưởng xấu đến tim, thận và hệ thần kinh của bệnh nhân bất cứ lúc nào. Do đó, người bệnh nên đến thăm khám và điều trị trực tiếp tại các cơ sở y tế lớn có đội ngũ bác sĩ vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại để nhanh phục hồi sức khỏe cũng như giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bạch hầu gây ra, bệnh có thể dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau đặc biệt là đối với trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ đúng thời điểm. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần cho trẻ tiêm chủng theo đúng thời gian tiêm chủng.

Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch, do đó nếu phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đi cách ly càng sớm càng tốt. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh (penicillin G, erythromycin, azithromycin) và kháng độc tố bạch hầu (SAD) để ngăn chặn các biến chứng khôn lường, giảm tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, người nhà chăm sóc người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, báo ngay cho bác sĩ điều trị để kịp thời xử lý nhanh các biến chứng, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Phóng viên: Ngay khi biết mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhận cần có những biện pháp can thiệp kịp thời nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Khi nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu hoặc có tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.

Khi đã mắc bệnh: Người bệnh cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế. Sự chậm trễ trong điều trị bệnh bạch hầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, thận, tắc nghẽn đường thở dẫn đến hôn mê và tử vong.

Việc điều trị bằng kháng sinh thường có hiệu quả trước khi vi khuẩn bắt đầu giải phóng độc tố vào máu. Nó mang lại những lợi ích như: Giảm lượng độc tố thải ra trong máu; ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong nhiễm trùng bạch hầu là erythromycin và penicillin. Linezolid và vancomycin cũng được sử dụng trong trường hợp kháng kháng sinh.

Bệnh nhân nên tuân thủ một đợt kháng sinh đầy đủ theo lời khuyên của bác sĩ để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn.

Phóng viên: Hiện nay có những biện pháp phòng ngừa bạch hầu nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Thực hiện: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục