Ngăn chặn, kiểm soát tình trạng khoan giếng tự do

- Trước thực trạng khoan giếng tự do như hiện nay, Công an tỉnh, Thanh tra Sở tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, để ngăn chặn, kiểm soát cần có giải pháp căn cơ, có tính bền vững.

Bài 1: Bất chấp quy định của Nhà nước

Cơ quan chức năng vào cuộc

Báo cáo của Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh, ngày 19-3, tại thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang), lực lượng đã phát hiện, bắt quả tang và lập biên bản đối với ông Trần Văn Tuân, xã Xuân Vân (Yên Sơn) về hành vi sử dụng máy khoan công nghiệp cỡ lớn để khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm khi chưa có giấy phép hành nghề.

Tiếp đến, ngày 25-3, tại xã Sơn Nam (Sơn Dương) lực lượng phát hiện, lập biên bản yêu cầu ông Đỗ Văn Thể, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) dừng ngay hành vi khoan đất tìm mạch nước ngầm. Và mới đây nhất, ngày 14-5, cũng tại xã Thái Long, lực lượng tiếp tục phát hiện ông Nguyễn Huy Hoàng, tổ 16, phường Văn Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoan giếng trái phép khi không có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Thượng tá Đinh Công Định, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh khẳng định, đây chỉ là 3 trong số 11 vụ mà Phòng Cảnh sát môi trường bắt quả tang lập biên bản trong thời gian vừa qua đều chưa có giấy phép hành nghề. Số vụ được phòng xử lý còn rất khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương. Bởi hầu hết người dân có nhu cầu khoan giếng đều không báo cáo với chính quyền địa phương; các cá nhân làm dịch vụ này thì làm "chui", di chuyển liên tục, đặc biệt quá trình khoan sử dụng máy công nghiệp cỡ lớn, khoan rất nhanh, ở mọi địa tầng và chỉ vài giờ đồng hồ có thể khoan xuống độ sâu vài chục, thậm chí cả 100 m đất, đá. Do đó khi trinh sát phát hiện, đơn vị triển khai lực lượng đến đến xử lý thì chuyện đã rồi.

Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Sở đang phối hợp với Công an tỉnh xử lý đúng theo quy định pháp luật đối với các cá nhân vi phạm về khai thác tài nguyên nước. Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện hoạt động khai thác tài nguyên nước trái phép. Trường hợp để xảy ra vi phạm về hoạt động khoan, thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn mà không phát hiện, không xử lý kịp thời thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Kết quả kiểm tra, xử lý tổng hợp báo cáo sở vào ngày 15 hàng tháng.

Cần giải pháp căn cơ

Trở lại vấn đề nhiều hộ dân tự ý khoan giếng tại một số địa phương đều xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết của người dân. Ông Hoàng Văn Chanh, thôn Hòa Bình, xã Thái Long cho rằng, không có nước máy, lượng nước ở giếng đào mỗi ngày chỉ bơm được 5-10 lít nước nếu không khoan giếng gia đình ông 5 nhân khẩu sẽ không đủ nước để sinh hoạt chưa nói đến nước sản xuất.

Ông Nguyễn Phú Viễn, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Hòa Bình, xã Thái Long (bên trái) kiểm tra, rà soát
số lượng giếng vừa được người dân khoan để lấy nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Long cho biết, trên địa bàn xã chưa có công trình cấp nước tập trung, người dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng đào, tuy nhiên hiện nay nhiều giếng của bà con đã bị cạn trơ đáy. Đây là lý do một số hộ dân chấp nhận thuê dịch vụ khoan xuống độ sâu vài chục mét với chi phí lên đến vài chục triệu đồng để tìm lấy nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Trước thực trạng khoan giếng tràn lan không có giấy phép hiện nay, ngày 16-4, UBND tỉnh có văn bản số 1026/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.

Theo đó, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; Luật Tài nguyên nước, Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngầm và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn quản lý lập các thủ tục để đăng ký cấp phép theo quy định, bảo đảm khai thác lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất.

 Trước đó, ngày 25-12-2020, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó có nêu vấn đề bức thiết phải bảo đảm được an ninh nguồn nước. Đồng chí giao cho Sở phải phối hợp với các ngành chức năng, huyện, thành phố thực hiện các biện pháp ngăn chăn tình trạng khai thác nước ngầm tự do, kiểm soát tình trạng xả thải vào môi trường nước...

Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất với UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Thượng tá Đinh Công Định, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh khẳng định, tăng cường các biện pháp để ngăn chặn tình trạng khoan giếng tự do hiện nay là việc phải làm. Tuy nhiên về lâu về dài để bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, trong đó có nguồn nước ngầm cần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Đây là giải pháp căn cơ có tính bền vững nhất. Trên thực tế không phải riêng những địa phương không có công trình cấp nước sinh hoạt người dân mới khoan giếng, ngay cả các khu vực có công trình cấp nước người dân vẫn khoan, bởi chất lượng nước vẫn chưa thực sự ổn định. 

Nguồn nước không phải vô tận, nếu không khai thác, sử dụng tiết kiệm, hậu quả dẫn đến là cạn kiệt nguồn nước, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Tuấn Quang

Tin cùng chuyên mục