Tự do khoan giếng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường

- Thời gian gần đây, hoạt động khoan giếng lấy nước sinh hoạt, sản xuất diễn ra một cách tự do ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo các chuyên gia địa chất, sử dụng máy công nghiệp cỡ lớn khoan tràn lan, đặc biệt là những thợ khoan không có trình độ, tay nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt lún đất, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Bài 1: Bất chấp quy định của Nhà nước

Bài 2: Ngăn chặn, kiểm soát tình trạng khoan giếng tự do

Theo Luật Tài nguyên nước năm 2012, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường hợp báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Làm ngơ trước quy định của pháp luật

Về thôn Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang), địa bàn “nóng” về tình trạng khoan giếng tự do. Ông Hoàng Văn Chanh, một trong những hộ vừa thuê máy khoan giếng lấy nước cho biết, giếng của gia đình phải khoan xuống độ sâu 47 m, với chi phí 30 triệu đồng, trong đó 20 triệu tiền khoan, 10 triệu tiền máy bơm, đường ống. Khi được hỏi, khoan giếng lấy nước ngầm gia đình có báo với chính quyền địa phương không? Ông Chanh chỉ im lặng mà không đưa ra câu trả lời. Thậm chí khi phóng viên đề nghị được chụp ảnh giếng mới khoan vị chủ nhà đã né tránh. Lý do sợ chính quyền biết sẽ phạt.

Thiết bị, máy khoan công nghiệp cỡ lớn được các cá nhân sử dụng để khoan giếng tại thôn Hòa Bình, xã Thái Long.

Cũng tại thôn Hòa Bình, gia đình ông Trần Quốc Tuấn, khi thuê thợ, máy về khoan giếng lấy nước ở độ sâu gần 60 m nhưng cũng không thông tin với chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Phú Viễn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Thái Long nói, từ đầu năm đến nay thôn có 12 hộ khoan giếng bằng máy công nghiệp nhưng chưa có ai đến báo thôn, chính quyền địa phương. Tình trạng khoan giếng tràn lan tại thôn Hòa Bình hiện nay phần nào ảnh hưởng đến những hộ lân cận sử dụng nước từ giếng đào. Ông Viễn khẳng định, nếu 1 hộ khoan giếng, chỉ thời gian ngắn, hộ kế cận có giếng đào sẽ cạn kiệt nước. Không có nước sinh hoạt, các hộ lại thuê khoan, cứ như vậy tình trạng tự do khoan giếng sẽ tiếp tục diễn ra.

Không riêng ở Thái Long, tại xã Tân Long (Yên Sơn) tình trạng khoan giếng không xin phép đã xảy ra nhiều năm nay. Gia đình ông Lý Văn Vấn, thôn 16, xã Tân Long âm thầm thuê máy khoan xuống tầng đất sâu để tìm kiếm nguồn nước nhưng cũng không báo chính quyền địa phương.

Người dân làm "chui", những người làm nghề khoan giếng cũng làm ngơ trước quy định của Nhà nước về khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, 11 vụ sử dụng máy khoan công nghiệp cỡ lớn khoan giếng trên địa bàn tỉnh mà lực lượng công an phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua thì các chủ máy đều không có giấy phép hành nghề. Trung tá Phạm Hồng Toán, Đội trưởng Đội Công nghiệp, giao thông xây dựng và môi trường đô thị, Phòng Cảnh sát Môi trường khẳng định, quá trình làm việc đối với các cá nhân này họ đều nắm được quy định của Nhà nước khi hành nghề khai thác tài nguyên nước phải có giấy phép của cơ quan chức năng nhưng họ không mấy quan tâm.

Cứ khoan, có nước sẽ trả tiền

Trong biên bản làm việc của cơ quan chức năng với các cá nhân hành nghề khoan giếng tay ngang (tức không có giấy phép hành nghề) vừa bị bắt quả tang, lập biên bản trong thời gian vừa qua cho thấy, những cá nhân này đều làm lấy được, không có kiến thức cũng như không nghiên cứu địa tầng và không biết quan trắc, cứ khoan tự do. Địa điểm này không có nước, chuyển địa điểm khác. Một sự thỏa thuận có một không hai được được đặt ra giữa các hộ dân có nhu cầu khoan giếng và chủ máy là khoan bao giờ có nước mới trả tiền. Thực tế qua tìm hiểu của phóng viên, không ít hộ gia đình phải khoan đến điểm thứ 3 mới có nước.

Máy khoan công nghiệp khoan giếng trên địa bàn xã Thái Long (TP Tuyên Quang)
chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Gia đình ông Trần Quốc Tuấn, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) là một điển hình. Theo ông Tuấn, gia đình ông đã phải thuê đến tốp thợ thứ 2, với 3 điểm khoan mới tìm được nguồn nước ở độ sâu gần 60 m.

Trung tá Phạm Hồng Toán, Đội trưởng Đội trưởng Đội Công nghiệp, giao thông xây dựng và môi trường đô thị, Phòng Cảnh sát Môi trường nhấn mạnh, khoan với độ sâu vài chục, thậm chí đến cả trăm mét trong tình trạng khoan mò của những thợ tay ngang như hiện nay là rất nguy hiểm. Nếu không may khoan vào những túi nước lớn thì lợi bất cập hại, nguồn nước có thể dồi dào tuy nhiên quá trình sử dụng sẽ làm rỗng lòng đất gây tình trạng sụt lún. Những lỗ khoan không có nước, trám lấp trả lại hiện trạng ban đầu sẽ là những “đường dẫn” để đưa các nguồn nước bẩn từ trên mặt đất xuống làm ô nhiễm tầng nước ngầm. 

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tự do khoan giếng ở các địa phương hiện nay không những làm ô nhiễm nguồn nước, mà còn đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước. Bởi nếu khai thác, sử dụng lãng phí không đi kèm với bảo vệ các mạch nước về lâu dài sẽ cạn kiệt.

Bài, ảnh: Tuấn Quang

Tin cùng chuyên mục