Thích nghi với diễn biến của dịch bệnh
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trở lại vào đúng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch, khi có khoảng 90% khách hủy tour trong cả tháng 5 và đầu tháng 6-2021. Các sản phẩm kích cầu cho đợt du lịch hè - vốn được kỳ vọng sẽ là "mùa vàng" cho các doanh nghiệp, đến nay chưa thể khởi động vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, có khoảng 80-90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, 90% nhân sự trong ngành Du lịch đang tạm nghỉ việc, hoặc chuyển sang làm công việc khác.
Trước khó khăn đó, nhiều đơn vị du lịch đã chủ động lên phương án khắc phục, nhanh chóng xoay chuyển hình thức kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Một số công ty du lịch, như VietFoot Travel, Ascend Travel… chuyển sang tổ chức các dịch vụ đưa, đón khách chuyên gia, Việt kiều về nước (chủ yếu làm thủ tục visa, kết nối các chuyến bay, tổ chức xe vận chuyển).
Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã vận chuyển được hàng trăm khách chuyên gia và kiều bào về nước. “Tuy số khách không nhiều, song cũng giúp cho công ty duy trì được hoạt động, giữ chân nhân viên trong lúc khó khăn”, ông Phạm Duy Nghĩa nói. Còn Giám đốc Công ty Du lịch Ascend Travel Dương Mai Lan cho hay, việc thực hiện dịch vụ đưa đón khách chuyên gia cũng gặp không ít khó khăn, trong đó vấn đề đặt lên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cho khách theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, để giữ chân nhân viên, một số công ty du lịch đã tạm chuyển sang hoạt động kinh doanh ẩm thực. Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, do hoạt động du lịch tạm dừng, công ty đã chuyển một số nhân viên điều hành sang làm việc ở lĩnh vực sản xuất đồ uống. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài thông tin, anh và một số nhân viên đang vận hành một nhà hàng. Hiện tại nhà hàng chỉ bán cho khách mang về, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Lâu dài, nhà hàng có thể hỗ trợ cho hoạt động lữ hành, khi có khách đặt tour.
Xây dựng kịch bản “sống chung với dịch”
Các phương án mà nhiều đơn vị du lịch đang thực hiện mới chỉ là giải pháp tạm thời. Để vực dậy ngành Du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến mới, toàn ngành cần có kế hoạch và hướng đi dài hơi hơn, nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để xây dựng kịch bản phục hồi cho ngành Du lịch Thủ đô, vừa qua, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức một buổi tọa đàm trực tuyến, với sự tham gia của gần 30 đơn vị lữ hành, đã thảo luận về giải pháp, xu hướng du lịch và các sản phẩm du lịch bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, đợt dịch này khác với những lần trước về sự nguy hiểm và tốc độ lây lan, phức tạp. Vì thế, các đơn vị du lịch cần có kế hoạch “sống chung với dịch”, đưa hoạt động du lịch trở lại theo một phương thức mới, bảo đảm được yêu cầu phòng, chống dịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng bày tỏ, để du lịch hoạt động được, các địa phương cần khoanh vùng những điểm có dịch và công bố những điểm bảo đảm an toàn, có thể cho đón khách. “Khi Hà Nội và các địa phương nới lỏng một số hoạt động, du lịch có thể khởi động, nhưng chỉ nên thực hiện theo nhóm nhỏ, phương thức di chuyển khép kín và cần có sự kiểm soát số lượng khách tại các điểm đi, điểm đến. Các đơn vị nên hướng du khách tới điểm đến an toàn, thực hiện hình thức du lịch nghỉ dưỡng nhiều hơn là khám phá, trải nghiệm”, ông Phùng Quang Thắng cho hay.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên cho rằng, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc điều hành, xây dựng sản phẩm mới cũng như quản lý khai báo y tế, sức khỏe của du khách. Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành Du lịch cần được tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19. Điều này sẽ giúp du khách yên tâm và hoạt động du lịch mới có thể bảo đảm an toàn về lâu dài.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho 6 tháng cuối năm 2021. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đang triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến; xây dựng phương án tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch năm 2021, Lễ hội áo dài năm 2021. Khi dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát, Sở sẽ tham mưu với thành phố để xác định các vùng, địa phương có thể triển khai du lịch an toàn, giúp doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức du lịch...
“Hoạt động phục hồi và phát triển du lịch cần phải đề cao yếu tố an toàn. Vì thế, các đơn vị cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, chủ động khắc phục khó khăn, tìm giải pháp mới theo từng kịch bản ứng phó dịch Covid-19”, bà Đặng Hương Giang lưu ý.
Gửi phản hồi
In bài viết