Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, tiếp bước truyền thống và những thành tích đáng tự hào của ngành Tư pháp, những năm qua, ngành Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành, của tỉnh, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, thi đua tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt các lĩnh vực công tác tư pháp hằng năm mà Bộ Tư pháp đã đề ra và Chương trình công tác đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Lãnh đạo Sở Tư pháp Tuyên Quang (đứng thứ 5 từ trái sang phải) nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp.
Nổi bật từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo "Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế của các cấp chính quyền địa phương, trong đó hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo phân cấp.
Đảng ủy Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, tham gia ý kiến các dự thảo VBQPPL và thực hiện nền nếp công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
Sở đã chủ trì soạn thảo, trình UBND tỉnh 8 dự thảo VBQPPL về lĩnh vực tư pháp; kiểm tra 132 đề nghị xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh; thành lập 27 Hội đồng tư vấn thẩm định; hoàn thành thẩm định 8 đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh và 135 dự thảo VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh. Sở cũng đã đề nghị loại bỏ 112 nội dung, 5 chính sách, 2 thủ tục hành chính; chỉnh sửa 1.079 nội dung, 45 chính sách và 32 thủ tục hành chính không còn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tham gia ý kiến đối với 741 dự thảo văn bản và đề xuất 10 nội dung định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công khai, cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.
Các hoạt động quản lý Nhà nước về công tác tư pháp tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Trong đó, đã triển khai Quy định về chính sách hỗ trợ pháp lý và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; ban hành và tổ chức thực hiện tốt Đề án "Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025", Đề án "tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh".
Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh, ngành Tư pháp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về PBGDPL, trong đó triển khai thực hiện tốt 2 Đề án là: "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" và "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027". Sở tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL, sử dụng công nghệ thông tin và đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến. Đáng kể nhất là, Sở đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện 112 mục phát thanh bằng 5 tiếng dân tộc gồm: Việt, Tày, Dao, Cao Lan và Mông, với thời lượng phát sóng 6 buổi/tuần. Đồng thời, gửi bản ghi âm tới Phòng Tư pháp, UBND cấp xã để phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở, giúp cho mọi tầng lớp nhân dân được tiếp cận các thông tin, chính sách pháp luật kịp thời, đầy đủ, thường xuyên. Qua đó, giảm thiểu được những tranh chấp, vi phạm trong đời sống xã hội; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục được Đảng ủy Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, duy trì được tỷ lệ hòa giải thành cao, đạt 84%, được Bộ Tư pháp đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Qua đó góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, trong đó cải cách TTHC được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Sở đã ban hành 13 kế hoạch, 223 văn bản để tổ chức triển khai thực hiện công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của Sở. Sở cũng xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành và công bố công khai 5 Quyết định Danh mục và quy trình nội bộ và liên thông trong giải quyết TTHC đối với 395 lượt TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý. Sở đã rà soát, đề xuất và được UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa đối với 14/18 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở; duy trì thực hiện cắt giảm tối thiểu 33,3 - 83,3% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trong lĩnh vực tư pháp...
Do vậy, Sở là một trong những đơn vị cấp tỉnh đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành của sở, ngành; 9 năm liên tục, từ năm 2014 đến năm 2022, Sở là đơn vị dẫn đầu các sở, ngành cấp tỉnh về chỉ số CCHC; đứng đầu khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về chỉ số DCI năm (cảm nhận sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh) và là năm thứ 7 xếp tốp đầu và năm thứ 4 đứng thứ nhất...
Với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, tinh thần đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của Sở, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, 3 năm liền (2020 - 2022) Đảng bộ Sở luôn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 3 năm liên tục (2020 - 2022) Sở Tư pháp Tuyên Quang được Bộ Tư pháp đánh giá, xếp hạng A (Xuất sắc), trong đó có 2 năm (năm 2021, 2022) Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp tặng "Cờ thi đua ngành Tư pháp", được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua năm 2020 và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trong tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết