Ngày làm việc trực tuyến cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

- Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Đây là ngày họp trực tuyến cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng: hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, các ĐBQH tỉnh cho rằng cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục hồ sơ theo quy định của Luật Quy hoạch. Các đại biểu đề nghị việc quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải thực hiện kỹ lưỡng trên thực trạng sử dụng đất ở các tỉnh, thành phố và đầu tư cho các lĩnh vực, ngành nghề.

Trước đó, ngày 29-10, tại phiên thảo luận tổ về 2 nội dung trên, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích những kết quả đạt được, những mặt tồn tại và đề xuất nhiều giáp pháp với Quốc hội, Chính phủ. Đại biểu Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: đối với đánh giá quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số chỉ tiêu sử dụng đất còn thấp như: quỹ đất thể thao, đất di tích, đất nghĩa trang, đất quy hoạch xử lý rác thải, nước thải… bởi trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất trên các lĩnh vực này trong đời sống xã hội là rất lớn. Đại biểu dẫn chứng từ thực tế địa phương, chính sách huy động nguồn lực để phát triển những lĩnh vực trên là hạn chế. Trong khi nguồn vốn đầu tư công đầu tư cho lĩnh vực này không nhiều, dẫn đến tình trạng thực hiện các dự án lĩnh vực này còn hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định quản lý đất đai, sử dụng đất trái mục đích còn xảy ra.

Đối với quy định chuyển đổi đất trồng lúa, đại biểu cho rằng đây là nội dung rất cần thiết, đảm bảo các điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ trong quy hoạch 2021- 2030, có hơn 348 nghìn ha đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng. Qua đó, quan tâm phân bổ cho các lĩnh vực nhu cầu thực tiễn, đảm bảo phân bổ chặt chẽ, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Đối với công tác quản lý, đánh giá sử dụng đất 5 năm, cần làm rõ việc quản lý đất của các nông lâm trường trả về địa phương và tài sản trên đất; làm rõ nguyên nhân chậm giao đất cho người dân. Thực tiễn nhiều doanh nghiệp quản lý không đúng mục đích, dẫn đến sai phạm.

Ngoài ra, đại biểu băn khoăn quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, trong kỳ quy hoạch giảm hơn 30 ha đất phòng hộ và đề nghị cần làm rõ mục đích sử dụng; đề nghị Chính phủ có cơ chế phân cấp quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Đại biểu Chẩu Văn Lâm cũng tham gia ý kiến vào nội dung tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2020-2025 nên bổ sung quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, phân tích thêm tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay và các tác động, ảnh hưởng xấu của dịch Covid-19.

Về chủ trương tự chủ các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đại biểu cho rằng, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta tiến hành thực hiện tự chủ 10% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì khó có thể đạt được. Đại biểu, đề nghị xem xét giảm chỉ tiêu này xuống khoảng từ 5 – 8% đến năm 2025.

Đại biểu cũng phân tích thêm tình hình dịch Covid-19 hiện nay và các tác động, ảnh hưởng xấu của dịch đến doanh nghiệp, đến người lao động hiện nay. Đại biểu cho biết, năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%; trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập… Đại biểu đề nghị tiêu chí tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là dưới 6 - 8%.

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục