Các đại biểu cắt băng khai mạc.
Đến dự có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, bạn đọc tại Huế.
Với các thông điệp: “Sách: nhận thức-đổi mới-sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 2 tại Huế là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội.
Sự kiện này là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc, những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách.
Đây là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam
Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã giới thiệu đến công chúng Huế không gian trưng bày bộ sưu tập văn bằng và những tài liệu quý dưới triều Nguyễn. Không gian trưng bày gồm:
- Trưng bày sách Hán Nôm: Đại Nam Quang chế; Đại Nam Anh nhã tiền biên; Hoàng triều Ngọc điệp; Ngự chế văn minh cổ khí đồ; Hoàng Việt tân luật; Thượng dụ Huấn điều; Nam quốc Giai sự.
- Trưng bày bộ tranh“Grande tenue de la cour d’Annam” của tác giả Nguyễn Văn Nhân được vẽ tại Huế tháng 12/1902 và các tài liệu trang phục triều Nguyễn.
- Trưng bày bộ sưu tập văn bằng triều Nguyễn.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã tiếp nhận nhiều sách, báo, tư liệu lịch sử quý giá do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và một số nhà nghiên cứu tại thành phố Huế trao tặng.
Giới thiệu những hình ảnh, sách, tư liệu tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2.
Ngoài ra, tại di tích Tàng Thư Lâu còn có không gian trưng bày những hình ảnh, sách, tư liệu được các cá nhân, tổ chức trao tặng với tên gọi “Dấu ấn Tàng Thơ lâu trong chúng ta” để tôn vinh, tri ân các độc giả đã có nghĩa cử cao quý, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Tàng Thơ lâu nói riêng, nâng cao vị thế của văn hóa đọc Việt Nam nói chung.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Huế và lịch sử văn hóa Huế.
Với nhiều tài liệu quý được lưu trữ tại di tích Tàng Thư Lâu và nhiều tư liệu do các tổ chức, cá nhân trao tặng được triển lãm, đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Triển lãm giới thiệu những tư liệu quý dưới triều Nguyễn.
Điểm nhấn của không gian trưng bày là bộ tranh “Grande tenue de la cour d’Annam” của tác giả Nguyễn Văn Nhân (Biên tu Viện Hàn lâm hưu trí) được vẽ tại Huế tháng 12/1902 và được trích trong "Trần Minh Nhựt, Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX" (Nhà xuất bản Dân Trí, Hà Nội, 2023).
Bên cạnh những bức ảnh tư liệu chụp vua, hoàng hậu, quan lại trong trang phục triều Nguyễn, triển lãm giới thiệu một số bức tranh tiêu biểu của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ dưới thời vua Thành Thái để người xem có cái nhìn toàn diện hơn về trang phục triều Nguyễn.
Không gian trưng bày những hình ảnh, sách, tư liệu được các cá nhân, tổ chức trao tặng.
Không gian trưng bày triển lãm tại di tích Tàng Thư Lâu là hoạt động có ý nghĩa kết nối dòng chảy quá khứ, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết