1. Trong một lần trò chuyện, NSƯT Phú Kiên (Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Chèo Việt Nam) tiết lộ mình thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong vở chèo “Những vần thơ thép” của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đắc Sừ (kịch bản: Trần Đình Ngôn) là nhờ NSƯT Văn Tân. Anh kể, ngày còn nhỏ NSƯT Văn Tân thường qua chơi với cha mình - NSƯT Duy Đính, và kể nhiều câu chuyện về Bác Hồ cũng như cách để thể hiện thành công hình tượng Bác trên sân khấu. Sau này, có cơ hội được trò chuyện cùng nghệ sĩ Văn Tân, anh mới biết một trong những niềm vui thường ngày của ông là được kể chuyện về Bác Hồ cho những người xung quanh với mong muốn lan tỏa đức tính tốt đẹp của Bác để mọi người học tập và làm theo Bác nhiều hơn.
Nghệ sĩ Văn Tân cho biết, ông mới chỉ được gặp Bác hai lần khi Người về thăm Bắc Giang, từ đó lúc nào trong tâm trí ông cũng hiện hữu hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu. Bởi thế mà năm 1970, khi Trung ương có Chỉ thị về việc đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu, lúc này Văn Tân đang là Đội trưởng Đội kịch Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc (cũ), ông rất hào hứng được thử sức mình. Ông đã lao vào nghiên cứu sách vở, tài liệu và nghe lại giọng của Bác để có thể lột tả được hình tượng Bác qua ánh mắt, cử chỉ, dáng đi, giọng nói...
Ông cũng tự học hỏi để hóa trang sao cho giống Bác. Và “quả ngọt” đã đến: Sau 4 năm mong mỏi chờ đợi, ngày 17-1-1974 ông đã được thể hiện vai Bác Hồ trong vở kịch “Một kỷ niệm cao quý”. Vai diễn để lại dấu ấn với nhiều người và trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thơ đã viết giấy giới thiệu ông ra Hà Nội với nội dung: “Gửi nghệ sĩ Văn Tân ra để học và thể hiện tinh thần, cốt cách Bác Hồ”.
Với người nghệ sĩ mới 31 tuổi khi ấy là niềm vui khôn xiết, bởi thế ông luôn chắt chiu thời gian ở Hà Nội để học tập từng chi tiết về Bác qua tư liệu được xem, được nghe ở Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Một may mắn với tôi là đã được các đồng chí Vũ Kỳ, Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ kể nhiều mẩu chuyện về đời sống của Bác rồi hướng dẫn tôi cách trồng cây, tiếp chuyện, tác phong của Bác khi tiếp khách trong nước và quốc tế, phong cách gần gũi, tình cảm của Người khi đến thăm các đơn vị... Đồng chí Vũ Kỳ còn tặng tôi bộ sách quý “Hồ Chí Minh toàn tập” gồm 10 quyển, một đĩa CD có 13 bài nói chuyện của Bác”, nghệ sĩ Văn Tân nhớ lại.
2. Trong tâm trí của nghệ sĩ Văn Tân hôm nay, ông vẫn nhớ như in ngày đặc biệt trong đời mình, ngày 18-5-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cho các nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ biểu diễn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (lúc đó là nhạc sĩ Trần Hoàn) đã chọn 5 người đóng vai Bác Hồ là các nghệ sĩ Văn Tân, Tiến Hợi, Đức Trung, Tiến Thọ, Sĩ Hùng. Đó cũng là thời điểm ông “định danh” trong lòng người xem.
Tuy nhiên, ông cũng tự nhận mình vẫn có những mặt hạn chế khi thể hiện hình ảnh Bác. Ông bảo: “Ai cũng biết Bác Hồ “dáng cao cao, người thanh thanh” (lời ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” - nhạc sĩ Phong Nhã) nhưng tôi thì mặt tròn, người mập nên khi hóa trang phải khắc phục rất nhiều. Từ mũi tẹt tôi phải đắp mũi dọc dừa, mặt tròn thì nối cằm, cổ ngắn thì đằng sau phải cắt tóc cao lên, đắp trán cao lên, kẻ mắt to hơn. Tôi vốn đi "chân chữ bát" nên phải tập luyện đi thẳng chân, rồi học từ cách vẫy tay tới cách nói của Bác”.
Ông cũng bảo thế mạnh của mình là ham học, quyết tâm vượt qua chính mình, chịu khó học hỏi, rèn luyện. Thời gian từ năm 1982- 1986, ông được cử đi học khóa đạo diễn đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông cũng khẳng định, diễn viên phải được học hành bài bản, người thầy quan trọng nhất là khán giả, đồng nghiệp góp ý cho mình sau từng buổi diễn. Biết ơn những người thầy đó cùng tình yêu dạt dào với Bác mà từ khi nghỉ hưu theo chế độ cách đây gần 30 năm, ông vẫn đi diễn ở khắp cả nước. Như năm ngoái ông đã vào vai Bác đến 16 lần, năm nay tính đến thời điểm này thì ông đã vào vai Bác đến 11 lần. Dịp 30-4 vừa rồi ông vẫn đi diễn trong thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông bảo, động lực để ông vẫn đi diễn ở tuổi này là ham muốn được khắc sâu thêm tình cảm của nhân dân với Bác.
3. Gần 2.000 buổi diễn vào vai Bác Hồ với ông là từng ấy kỷ niệm khó quên mà hôm nay, khi kể lại với tôi, đôi mắt ông lại đỏ hoe. Ông bảo, vào vai Bác Hồ, ông chưa khi nào nhỡ giờ để khán giả chờ đợi, thường thì phải đến trước giờ. Đặc biệt, suốt bao nhiêu năm lao động nghệ thuật, điều làm cho ông vui nhất đó là tình cảm của người dân dành cho Bác vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Ông kể, năm 1984, ông đi diễn ở Pác Bó (Cao Bằng), kết thúc vở, đồng bào lên sâu khấu vuốt râu, sờ nắn tay áo, nhiều cụ khóc bảo: “Mấy chục năm nay con mới được gặp Bác”. Rồi năm 1992, khi ông đi diễn ở Quân khu 9, trong buổi gặp mặt các Anh hùng thời chống Mỹ, Pháp, nhiều cụ tuổi cao, tai điếc, mắt kém nhìn thấy “Bác Hồ” cứ khóc. Hay năm 1990, ông đi diễn ở Củ Chi trong chương trình “Rước đuốc về nguồn”, nhiều má lên sân khấu khóc và nói rất cảm động: “Do chiến tranh ác liệt mà nay Bác đã đi xa nên không có cơ hội được gặp Người, nay chúng tôi rất biết ơn nghệ sĩ đã vào vai Bác”.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 4 vừa qua, ông đi diễn ở Huyện ủy Châu Đức, Thành ủy Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Cung Văn hóa Lao động thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu không cầm được nước mắt, ngợi khen nghệ sĩ sau buổi diễn.
Không chỉ vào vai Bác Hồ, nghệ sĩ Văn Tân còn sáng tác 6 vở kịch ngắn, nhiều hoạt cảnh sân khấu về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có một số tác phẩm tiêu biểu như: “Một kỷ niệm cao quý”, “Bác Hồ với cán bộ, công nhân ngành Thủy lợi”, “Bác Hồ với thi đua yêu nước”, “Bác Hồ thăm Côn Sơn”, “Đời Bác sáng mãi lòng ta”...
Theo ông, muốn thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu thì từ chiều cao đến dáng dấp, cách hóa trang phải để người xem cảm nhận được đó chính là Bác; hơn nữa phải thể hiện thật tốt giọng nói, cách ngắt câu nhả chữ theo âm chuẩn của Bác, chuyển tải lời văn của Bác đến người nghe phải sống động, để khán giả như được gặp Bác Hồ... Ông cũng bảo vào vai Bác không được qua loa, đại khái, làm cho xong mà phải tỉ mỉ, chân thực đến từng chi tiết, và cần phải rèn luyện, học hỏi cả đời.
Với ông, cho đến tận bây giờ, cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách đạo đức và tác phong giản dị của Bác vẫn luôn là tấm gương để ông noi theo, là một nguồn tư liệu quý để ông trau dồi học hỏi nhằm xây dựng hình tượng của Bác đẹp đẽ và gần gũi nhất trong mắt khán giả cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết