Mỗi bộ phim một ký ức
Dòng phim tài liệu đã đưa hình ảnh Bác Hồ đến với công chúng khá sớm, với những bộ phim để lại dấu ấn sâu sắc như: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy, 1960), “Tiếng gọi mùa xuân” (đạo diễn Hồng Nghi, 1968), “Bác Hồ của chúng em” (đạo diễn Ma Cường, 1969)... Với phim truyện thì khác, phải đến năm 1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đạo diễn Long Vân mới lần đầu đưa câu chuyện về Người lên màn ảnh rộng. Đó là bộ phim truyện điện ảnh “Hẹn gặp lại Sài Gòn” dựa trên kịch bản của nhà văn Sơn Tùng, người rất nổi tiếng với các tác phẩm viết về Bác.
Phim kể về người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong những tháng năm sống và học tập ở Huế cùng gia đình. Trước cảnh nước mất nhà tan, Người luôn nung nấu hoài bão đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước khi lên tàu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với người bạn gái miền Nam và cũng là với đất nước: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.
Bộ phim gây chấn động vì đã đưa lên màn ảnh câu chuyện thời trẻ của Bác một cách sinh động, đặc biệt là chuyện tình cảm với Út Vân (vai diễn do diễn viên Thu Hà đảm nhận). Diễn viên Tiến Hợi cũng trở thành gương mặt sáng của điện ảnh sau khi thể hiện vai diễn Nguyễn Tất Thành.
Sau bộ phim này, nhiều nhà biên kịch, đạo diễn bắt đầu tìm tòi thể hiện hình ảnh Bác với những lát cắt khác nhau. Năm 2003, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và Viên Thế Kỷ đưa lên màn ảnh câu chuyện “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Năm 2010, đạo diễn Vũ Châu làm “Nhìn ra biển cả” tái hiện một giai đoạn ngắn khi Bác làm giáo viên thể dục tại trường Dục Thanh (khoảng năm 1910-1911). Năm 2015, đạo diễn Vương Đức làm phim “Nhà tiên tri”, khắc họa hình ảnh Bác trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ. Năm 2015, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hoàn thành bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” tái hiện quãng thời gian hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín. Năm 2016, đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ cho ra mắt phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, kể về hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào năm 1934, khi Người vừa thoát khỏi vụ án ở Hồng Kông, đang chuẩn bị cho cuộc hành trình từ Hồng Kông tới Thượng Hải, rồi từ đây tìm đường sang Liên Xô...
Nguồn cảm hứng vô tận
Có thể nói những bộ phim kể trên đều là những lát cắt, gắn với những giai đoạn ngắn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Qua mỗi bộ phim, người xem lại cảm nhận được một câu chuyện khác nhau nhưng từ đó đều toát lên một phần chân dung vừa bình dị, vừa vĩ đại của Người. Tuy nhiên, một cách công bằng, đề tài về Bác Hồ vẫn chưa được khai thác xứng tầm trên màn ảnh rộng, cả về số lượng lẫn chất lượng và nội dung thể hiện. Vẫn còn vô vàn những chất liệu điện ảnh, những câu chuyện hay, những sự kiện gắn với tầm vóc vĩ đại của Người chưa được chuyển tải.
Năm 2020, bộ phim truyện điện ảnh “Thầu Chín ở Xiêm” của đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng vinh dự nhận giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng. Trước đó, bộ phim này cũng đoạt nhiều giải thưởng lớn, tiêu biểu như giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đợt II (năm 2015).
Tuy nhiên, chính đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã thừa nhận làm phim về Bác là thách thức không nhỏ mà theo anh, khó khăn đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố kịch bản, điều kiện làm phim lịch sử... Cùng chung cảm nhận, đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn khá thành công khi khắc họa hình ảnh Bác trong phim “Hà Nội mùa đông năm 46” từng chia sẻ: Điện ảnh Việt đến nay chưa có tác phẩm nào về đề tài Bác Hồ thực sự làm mọi người hài lòng. Đây đúng là "món nợ" của điện ảnh Việt Nam.
Quả thật, đề tài về Bác là nguồn cảm hứng vô tận, nhưng cũng là thách thức với các nghệ sĩ khi muốn chuyển tải lên màn ảnh rộng. Thách thức ấy, cộng với trách nhiệm của người làm nghệ thuật chắc chắn sẽ tạo ra nguồn động lực để tương lai công chúng có thể thưởng thức nhiều hơn những tác phẩm xuất sắc về Người.
Gửi phản hồi
In bài viết