Điển hình như các hoạt động hỗ trợ làm nhà ở mới, sửa chữa nhà ở, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, thành lập quỹ tự lập để giúp nhau về vốn… Đến nay, chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hội viên nghèo do Hội CCB tỉnh triển khai đã xóa được 136 nhà tạm, dột nát với tổng kinh phí huy động hỗ trợ lên tới gần 4 tỷ đồng. Năm 2020, toàn tỉnh có trên 11 nghìn hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 322 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Hội CCB các cấp trong tỉnh đã phối hợp để hướng dẫn, chuyển giao khoa học trong phát triển kinh tế cho trên 7 nghìn hội viên. Từ những hoạt động này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo trong toàn tỉnh từ 11,58% (2016) xuống còn 3,57% (2020).
Các Cựu chiến binh thôn 1, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả.
Hội CCB xã Xuân Vân (Yên Sơn) hiện có 272 hội viên, sinh hoạt ở 21 chi hội, trong đó chủ yếu là CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nhằm xây dựng tổ chức hội vững mạnh và nâng mức sống hội viên, những năm qua, cựu chiến binh trong xã đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động tương trợ hội viên. Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giúp đỡ hội viên vay các nguồn vốn thông qua 5 tổ tín chấp để phát triển kinh tế gia đình, do đó chương trình xóa đói giảm nghèo. Từ các nguồn xã hội hóa, Hội CCB xã còn phối hợp để xóa 1 nhà tạm cho hội viên nghèo với kinh phí huy động 50 triệu đồng. Đến nay Hội CCB xã Xuân Vân chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,83% trên tổng số hộ hội viên.
Gia đình ông Tương Thế Dinh, Cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ, thôn Lương Trung trước đây từng là hộ cận nghèo. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội CCB xã, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện và 10 triệu đồng từ quỹ tự lập của chi hội. Ông đầu tư nuôi lợn nái sinh sản và trồng cây ăn quả. Từ lợn sinh sản, ông nhân giống và phát triển chăn nuôi lợn thịt. Bình quân mỗi năm ông xuất bán 3 lứa lợn thịt, thu lãi từ 70 đến 80 triệu đồng. Hiện nay, ông còn có 200 gốc bưởi, trong đó 50 gốc đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông không còn là hộ cận nghèo mà trở thành hộ có thu nhập khá giả.
Từ nguồn vốn vay, Cựu chiến binh Tương Thế Dinh (bên phải ảnh) thôn Lương Trung, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã phát triển cây ăn quả, trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn.
Nói về các hoạt động giúp đỡ hội viên cựu chiến binh, ông Nguyễn Đức Mịch, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Sơn chia sẻ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội hàng năm là triển khai các hoạt động giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo, tạo việc làm cho hội viên. Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội triển khai tốt việc hỗ trợ hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ làm nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, toàn hội đã thành lập được 105 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý. Bình quân mỗi năm, Hội huy động xóa từ 5 đến 6 nhà tạm, dột nát cho hội viên.
Với phương châm “Hội viên giúp nhau trước, vay vốn Nhà nước sau”, Cựu chiến binh thành phố Tuyên Quang những năm qua đã duy trì và phát triển quỹ tự lập trong các chi hội để giúp đỡ đồng đội một cách hiệu quả. Đến nay, 100% các cơ sở chi hội Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố đã thành lập được quỹ tự lập. Từ nguồn quỹ tự lập, các chi hội đã giúp đỡ trên 5 nghìn hội viên vay giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, sửa chữa nhà ở.
Xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) là địa phương đã phát huy tốt quỹ tự lập để giúp đỡ hội viên vươn lên. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch CCB xã Lưỡng Vượng, nhằm khơi dậy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, cựu chiến binh trong xã đã xây dựng quỹ tự lập lên tới trên 600 triệu đồng, đạt bình quân 1,3 triệu đồng/hội viên. Từ quỹ tự lập này đã có 96 hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn phát triển sản xuất. Đi liền với việc hỗ trợ hội viên vay vốn từ quỹ tự lập, các chi hội còn đẩy mạnh hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho hội viên, nhân rộng cách làm hay trong ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, xã Lưỡng Vượng không còn hội viên cựu chiến binh nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiêm, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 1 cho biết, chi hội có 48 hội viên, trong đó chủ yếu là tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về. bản thân ông Nghiêm cũng từng là lính tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông Nghiêm làm Chi hội trưởng Chi hội CCB 12 năm nay. Ông chia sẻ: “Là người lính vào sinh ra tử cùng nhau trong kháng chiến, trở về địa phương, chúng tôi coi nhau như anh em, người nào có kinh tế hơn thì giúp người khó khăn hơn. Đó cũng là một cách để chúng tôi tri ân những đồng đội không bao giờ trở về”. Và những ngày này, ngôi nhà của ông Nghiêm không chỉ là nơi để các hội viên tập hợp ở đây để chia sẻ với nhau kiến thức, kinh nghiệm làm ăn mà còn là nơi để họ cùng ôn lại ký ức hào hùng năm xưa.
Bằng những hoạt động tương trợ nhau vươn lên giữa thời bình, những người lính đang tiếp tục viết tiếp bản hùng ca xây dựng cuộc sống mới ấm no giữa thời bình.
Gửi phản hồi
In bài viết