Về xã Phú Thịnh (Yên Sơn) những ngày này, có thể thấy hai bên đường phủ một màu xanh mướt của những đồi rừng và bạt ngàn lúa non. Những xưởng bóc gỗ khẩn trương chuẩn bị từng đơn hàng mới... Trước đây, Phú Thịnh là một trong những xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Từ khi tuyến quốc lộ 2C thuộc đường Hồ Chí Minh được hoàn thiện kết nối với các tuyến đường bê tông liên thôn đã giúp đổi thay mọi mặt của cuộc sống của bà con nhân dân nơi đây.
Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Phú Thịnh (Yên Sơn).
Đồng chí Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 4 thôn gồm thôn Húc, thôn Nghẹt, thôn Bụt và thôn Đát Trà. Hệ thống đường giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế nông, lâm và dịch vụ. Hiện toàn xã có trên 31 ha diện tích trồng cây ăn quả, nhiều cây có giá trị kinh tế lớn như bưởi, nhãn, thanh long... Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã vận động bà con nhân dân tập trung phát triển kinh tế rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc. Hiện trên địa bàn có trên 424 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, diện tích trồng rừng sau khai thác đạt từ 60 - 100 ha. Nhờ hệ thống đường giao thông thuận lợi, kinh tế từng bước tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ có mức sống khá giàu đạt 20%, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,9%. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng từng bước được nâng lên.
“Trước đây khi chưa có tuyến đường Hồ Chí Minh, các em học sinh và phụ huynh đến điểm trường rất vất vả khó khăn. Đặc biệt những ngày mưa gió, đường đi rất trơn và lầy lội”, đó là lời tâm sự của cô giáo Hoàng Thị Tuyên, giáo viên phụ trách phân hiệu Húc, trường Tiểu học và THCS
Phú Thịnh. Phân hiệu trường hiện tại có 86 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Phân hiệu được dồn ghép từ 2 điểm trường Húc và Bụt. Điểm trường mới khang trang với lớp học được xây mới nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ ở quê hương cách mạng.
Lớp học mới của các em học sinh phân hiệu Húc, trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh nằm trên trục đường Hồ Chí Minh.
Trong những trang lịch sử đầy tự hào, tuyến đường Hồ Chí Minh trở thành con đường huyết mạch để miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Ngày nay, tuyến đường mang tên Bác góp phần lưu thông hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, tạo đà phát triển kinh tế xã hội. Tại xã Đạo Viện (Yên Sơn), tôi tình cờ gặp anh Lê Đức Chính, là tài xế suốt 10 năm trên cung đường qua các xã Phú Thịnh, Đạo Viện, Trung Sơn. Anh nói: “Trước đây lái xe trên những đường đèo dốc quanh co, mất cả một ngày trời tôi mới hoàn thành được chuyến hàng. Nay đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh to rộng, bằng phẳng, những đoạn dốc cao cua được nắn chỉnh khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn. Thời gian vận chuyển hàng hóa cũng được rút ngắn, nhờ đó có những ngày tôi chở thêm được từ 1 - 2 chuyến hàng, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Cảm ơn Đảng, Nhà nước!”.
Đồng chí Vũ Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Thái Long (TP Tuyên Quang) cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh qua 2 thôn trên địa bàn xã đó là Tân Hải Thành và Phú An với chiều dài 3 km. Việc tuyến đường được hoàn thiện cùng các công trình giao thông liên thôn đã tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa. Đặc biệt giúp quảng bá, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP như bưởi đào, bưởi Tiến Vua. Qua đó giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm đặc thù địa phương, cải thiện đời sống nhân dân.
Đi suốt dọc đường Hồ Chí Minh, có thể thấy các xã thuộc vùng căn cứ địa cách mạng đang dần khoác lên tấm áo mới khang trang hơn. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đổi thay, phát triển tràn đầy nhựa sống của một thế hệ đang đi trên chính con đường mang tên Bác năm xưa...
Gửi phản hồi
In bài viết