Những ngày nắng nóng rất đông bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nhiệt độ tăng cao cùng nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển. Nắng nóng có thể gây bùng phát nhiều dịch bệnh về hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng.
Đang chăm sóc cháu Hoành Khánh Thư, 35 tháng tuổi tại Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình, bà Chẩu Thị Hình, thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, mấy ngày trước cháu bà ho liên tục, không dứt, thấy vậy bà cho cháu đến Trung tâm Y tế huyện để khám. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi nặng. Khi thời tiết nắng nóng, gia đình cho cháu tắm nước lạnh để bớt nóng, bà không biết như vậy làm thay đổi nhiệt độ cơ thể của bé nên cháu bị viêm phổi. May là bà cho cháu đi khám kịp thời nên hiện nay sức khỏe của cháu đã ổn định.
Với thời tiết nắng nóng như mấy ngày nay, đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, nếu không biết tự trang bị, bảo vệ sức khỏe có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, say nắng, ngất xỉu thậm chí đột quỵ.
Anh Hoàng Anh Tú, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, đối với những người làm nghề shipper như anh, thời tiết nắng nóng rất dễ làm cơ thể kiệt sức. Những ngày qua, anh làm việc dưới nắng nóng liên tục nhiều giờ, nhất là khoảng khung giờ từ 11h đến 13h là giờ khách hàng có nhu cầu ship đồ ăn sẵn vì ngại ra ngoài khiến anh liên tục di chuyển ngoài trời nên ra nhiều mồ hôi, khát nước, nhiều lúc anh cũng thấy khó thở. Để chủ động bảo vệ bản thân, anh mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đội mũ kín và đem theo chai nước bên mình để bổ sung nước kịp thời cho cơ thể.
Nắng nóng nhiều bệnh nhân nhập viện do tai biến, sốc nhiệt.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sỹ CKII Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mấy ngày qua, tại khoa Cấp cứu, nhiều bệnh nhân nhập viện do say nắng nóng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, nặng hơn là các trường hợp bị đột quỵ não, đột quỵ tim… Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt thường là người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính (tim mạch, gan, huyết áp…), những người lao động ngoài trời. Sốc nhiệt nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các bác sỹ khuyến cáo người dân thực hiện hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… để chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước muối pha loãng, nước pha Oresol…
Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Cùng với đó, thực hiện vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Gửi phản hồi
In bài viết