Dự phòng tăng huyết áp và bệnh tim mạch

- Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi có nhiều nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm tới 35% số ca tử vong trên toàn quốc và đang có xu hướng gia tăng.

Chủ đề ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp 17-5 năm nay lấy thông điệp “Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống lâu hơn” nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp và nhấn mạnh việc cải thiện kiểm soát tăng huyết áp để sống lâu và khỏe mạnh hơn. Tại Tuyên Quang, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp còn cao, trong đó nhóm tuổi từ 50 - 59 chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm đến 38,3%.

Do bệnh thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất mơ hồ như đau đầu, đau ngực, hồi hộp, khó thở nên người bệnh khó phát hiện. Bệnh có diễn biến âm thầm nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, khi bệnh nhân phát hiện thường đã mắc những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra. Các biến chứng nguy hiểm mà người bị tăng huyết áp lâu ngày thường mắc phải đó là nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, tổn thương thận, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ, mù mắt.

Bác sỹ chuyên khoa tim mạch Nguyễn Mạnh Hùng, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc cho biết, tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Khi hệ thống mạch máu trong cơ thể chịu áp lực lâu ngày sẽ bị phình giãn, mất tính đàn hồi, tổn thương, tích tụ các mảng xơ vữa và gây hẹp, bít tắc dần. Khi huyết áp cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và dẫn đến suy giảm chức năng tim, kèm theo đó là bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Để tránh những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp ở mức ổn định kèm theo chế độ ăn uống, vận động phù hợp.

Người cao tuổi xã Khuôn Hà (Lâm Bình) kiểm tra huyết áp dự phòng tăng huyết áp.

Bà Vũ Thị Hải, tổ 8, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, bà được chẩn đoán bị tăng huyết áp từ 5 năm trước. Bên cạnh việc uống thuốc, tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, bà cũng duy trì chế độ ăn lành mạnh, ít muối, ít dầu mỡ, nhiều rau xanh. Theo bà, thời tiết nóng nực mùa hè sắp tới cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những người mắc tăng huyết áp. Bởi vậy, người mắc bệnh cần đo huyết áp thường xuyên, theo dõi sức khỏe định kỳ để có phương án điều trị và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng chống tăng huyết áp và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống các bệnh mãn tính không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nghiên cứu “Thực trạng tăng huyết áp và hiệu quả một số giải pháp dự phòng tăng huyết áp tại cộng đồng ở tỉnh Tuyên Quang”. Đến nay, sau 2 năm nghiên cứu và can thiệp tại trạm y tế các xã, tỷ lệ tăng huyết áp được phát hiện tại các trạm y tế xã tăng từ 76,7% lên 87,4%, hiệu quả can thiệp đạt 34,4%; tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị tại các trạm y tế xã tăng từ 69,84% lên 81,51%, chỉ số hiệu quả là 13,32%.

Hiện nay, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đo và tư vấn cho người bị tăng huyết áp. Y sỹ Nguyễn Thị Mỵ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, thông qua các đợt tuyên truyền, nhiều người cao tuổi và nhân dân trên địa bàn xã đã nhận thức được ý nghĩa của việc đo huyết áp định kỳ. Nhân dân cũng được giải thích cặn kẽ về bệnh tăng huyết áp, chế độ luyện tập, ăn uống, sinh hoạt phù hợp để kiểm soát bệnh. Qua đó góp phần thực hiện dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch hiệu quả.

Việc sàng lọc, phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị tăng huyết áp, thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh chính là chìa khóa để giảm những biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị bệnh.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục