Ông Bàng Minh Sửu.
“Mình chịu thiệt một chút cũng không sao”
Thành Long thời điểm này như một đại công trường. Máy móc, xe cộ tấp nập thi công tuyến đường ĐH 10. Việc đo đạc, giải phóng mặt bằng cho công trình đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn đi qua xã cũng đang được khẩn trương thực hiện...
Người đảng viên già Bàng Minh Sửu tự hào lắm, khi trong mỗi phần việc của thôn, của xã, ông đều đóng góp ít nhiều công sức để cùng thực hiện.
Câu chuyện được nhiều người ở Thành Long nhớ nhất khi nói về người đảng viên già Bàng Minh Sửu là câu chuyện hiến đất và vận động nhân dân hiến đất xây dựng Sân thể thao trung tâm xã. Trước năm 2018, Thành Long không có sân thể thao. Các hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao và văn hóa, văn nghệ ít được tổ chức, nếu có tổ chức lại phải đi mượn sân ở thôn hoặc tận dụng mặt bằng ở khu chợ. Sau khi khảo sát, rà soát, phương án khả thi nhất là ở thôn Thành Công 2 (cách trụ sở xã vài trăm mét, đường đi thuận tiện) được tính đến. Tuy nhiên, khu đất dự kiến đó chỉ có ít diện tích quỹ đất 5% của địa phương, còn lại là đất canh tác của 11 hộ ở thôn Thành Công 2, thôn Đoàn Kết 3 và thôn Loa. Nhà ông Sửu có diện tích đất lớn nhất, hơn 4.800 m2, còn lại là của 11 hộ dân khác. Ông Sửu lúc này là Bí thư chi bộ. Được xã vận động, lại nghĩ đến cảnh con cháu mình lâu nay chịu nhiều thiệt thòi, ông làm gương hiến trước. 11 hộ dân còn lại thấy ông làm được, cũng không tiếc “tấc vàng” mà làm theo. Sau 2 tháng, Sân thể thao trung tâm xã Thành Long hoàn thành, diện tích trên 10.400m2 đạt tiêu chuẩn sân vận động chuẩn phục vụ các hoạt động thể dục thể thao của nhân dân trên địa bàn xã. Ông Sửu cười, có lẽ đây là điều mà ít xã nào làm được. Từ khi có sân thể thao, năm nào xã Thành Long cũng tổ chức các giải thể thao lớn nhỏ, từ giải bóng đá nam, bóng đá nữ đến giao lưu bóng chuyền...
Sau chuyện hiến đất và vận động hiến đất làm sân thể thao trung tâm xã, cái nhìn của người dân về ông dường như đã thay đổi rất nhiều.
Ông kể, mình nhận ra điều ấy, khi vừa rồi, chuẩn bị thi công tuyến đường ĐH 10 qua xã, qua thôn, đã rất nhiều hộ dân hiến đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng, nhờ tiếng nói của ông. Như chuyện người nông dân cùng thôn, lãnh đạo xã đến nhà tuyên truyền, vận động, giải thích kiểu gì cũng nhất định đòi phải bồi thường, hỗ trợ mới bàn giao đất. Mất cả buổi giải thích không được, lãnh đạo xã nhờ ông ra mặt. Chiều hôm đấy, một mình ông đến nhà, ngồi tâm tình, trò chuyện. Ông bảo, mình sống cùng làng lâu, mình hiểu, họ không xấu, không tham, nhưng nếu cứ lập thành đoàn thành đội đến họ sợ, họ lại cương lên mà hỏng việc. Những câu chuyện xóm làng, những câu chuyện về lý về tình... được ông thủ thỉ như trút bầu tâm sự. Hôm sau, chẳng cần ai nhắc, người nông dân ấy tự giác chặt cây, phá tường rào, bàn giao mặt bằng cho xã.
Rồi chuyện vận động người dân xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa thôn. Rồi vận động dân bàn giao mặt bằng thi công đường cao tốc và khu định cư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, ông cũng giữ vai trò chủ chốt ở thôn để tuyên truyền, vận động người dân. Ông bảo, may mắn là đến thời điểm này, chưa nhiệm vụ nào ông thất bại cả.
Niềm vui của người dân Thành Công 2, xã Thành Long (Hàm Yên) trên tuyến đường ĐH10 đang chuẩn bị thi công.
Không vì tuổi cao mà lùi mình lại
Ở cái tuổi thất thập, ít ai biết, người đảng viên già Bàng Minh Sửu tự tay mình sở hữu một kênh Youtube giới thiệu về văn hóa Cao Lan với gần 1.000 người theo dõi. Nhiều clip ông đăng lên đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
Tất cả các Clip ông đăng lên, đều do ông tự quay, tự mày mò cách cắt ghép và đăng tải lên Youtube. Ban đầu là những clip quay về các chương trình văn nghệ trong thôn, trong xã. Sau ông bắt đầu sưu tầm, ghi lại những lời hát Sình ca cổ, những điệu múa truyền thống. Rồi tiếng lành đồn xa, người Cao Lan ở ngoài xã, rồi Yên Sơn, Sơn Dương, cả Yên Bái... hễ có hoạt động liên quan, đều liên hệ mời ông đến ghi hình.
Ông bảo, tự mình làm cũng vất vả và... mệt. Nhiều địa điểm xa, ông phải tự mình chạy xe máy, có khi mất cả buổi mới đến. Nhưng thành quả thì vượt ngoài sự mong đợi. Mỗi khi thêm một lượt thích, một người theo dõi, một lượt xem, ông lại không tiếc sức mình vất vả, khi văn hóa truyền thống của người Cao Lan mình lan tỏa đến mọi người, ở mọi vùng đất khác nhau.
Ở Thành Công 2, sản xuất nông lâm nghiệp vẫn là chủ đạo. Nhưng nhiều giống cây lâm nghiệp đưa về xã, không phát triển như mong đợi. Người dân ở Thành Công 2 đã từng trồng keo lai giâm hom, trồng bồ đề, nhưng cây cứ lớn bằng bắp chân sâu bệnh lại ở đâu về ăn rỗng hết thân. Thời điểm ông làm Bí thư chi bộ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chuyển đổi giống cây lâm nghiệp kém chất lượng sang giống keo lai mô. Mặc dù là giống được hỗ trợ toàn bộ, nhưng bà con chưa ai dám chuyển đổi, vì thời điểm đấy chưa ai làm, chưa biết nhìn vào đâu để so sánh hiệu quả. Năm 2022, nhà ông Sửu tiên phong trồng trước 1,6 ha. Diện tích này ông cũng tiên phong trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. 1,6 ha keo lai mô lớn nhanh gấp đôi, gấp ba cây keo lai giâm hom trồng cùng thời điểm. Thấy vậy, nhiều người đăng ký làm theo. Ông Sửu cười, Thành Công 2 giờ đã có hơn 10 ha keo lai mô trồng theo tiêu chuẩn FSC. Thôn thành lập nhóm hộ trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế do ông là Tổ trưởng.
Đến thời điểm này, người Đảng viên ấy cũng không nhớ mình đã tiên phong hiến bao nhiêu đất vườn, đất ruộng, đất rừng, vận động được bao nhiêu hộ dân cùng đồng thuận, góp sức vì công việc chung nữa. Ông bảo, việc mình làm có người khen, người chê. Nhưng ông chỉ nghĩ, làm cán bộ, dù là cán bộ thôn, điều đầu tiên là phải biết chịu thiệt một chút, tiên phong đi trước một bước, miễn mục tiêu lớn hoàn thành, là được!
Gửi phản hồi
In bài viết