Người khơi sức Dân

- Nhắc đến Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vương Đình Chiều, thôn Cầu Đá, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) không chỉ người trong xã biết mà nhiều cán bộ lãnh đạo trên huyện cũng biết đến ông. Đó là bởi cái tài dân vận của ông Chiều đã lan xa. Ông chính là người gieo mầm đoàn kết ở Cầu Đá để những con đường bê tông liên xã, liên thôn được trải dài, thông thoáng từ chính sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân.

Con đường của đoàn kết

Về thôn Cầu Đá, thôn gần như cuối cùng của xã Hợp Hòa không còn cảnh lầy lội và gập ghềnh như trước. Đường bê tông nối liền xã, thôn đưa tôi thẳng vào nhà của ông Chiều. Từ nhiều năm nay, ông Chiều đã thành lập 3 nhóm Zalo “Nhân dân cần biết”. Nhóm Zalo có sự tham gia của đại diện 272/272 hộ gia đình trong toàn thôn. Bất cứ hộ nào có người dùng điện thoại thông minh, ông Chiều mời tham gia vào nhóm. Thậm chí, người nào không biết cài Zalo, ông Chiều đến tận nhà để cài đặt giúp. Nhóm Zalo “Nhân dân cần biết” là kênh để ông Chiều thường xuyên vận động, tuyên truyền về các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Thông qua nhóm Zalo này cũng là sợi dây kết nối bền chặt giữa các hộ gia đình trong thôn.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vương Đình Chiều hỗ trợ cài đặt Zalo cho người dân.

Từ năm 2019, khi tỉnh, huyện có chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT 185 và ĐH 20, trong đó, tuyến đường ĐT185 đi qua thôn Cầu Đá dài 2,4 km và tuyến đường ĐH 20 đi qua thôn dài 2,2 km, ông Chiều đã tất tả ngược xuôi để tuyên truyền, thông báo, tổ chức họp dân để vận động giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân hiến đất. Tổng cả hai tuyến đường đoạn đi qua Cầu Đá, nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền xã giao cho ông Chiều và cán bộ thôn phải vận động 51 hộ hiến đất, tự nguyện tháo dỡ các công trình, tài sản, hoa màu trên đất để thi công tuyến đường.

Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng ông Chiều suy nghĩ rằng, chỉ khi nào nhân dân đồng thuận, đoàn kết thì mới thành công được. Bởi vậy, ông thường tuyên truyền, chia sẻ trong nhóm Zalo những clip, bài viết về những tấm gương hiến đất ở các địa phương. Khi vận động được hộ nào hiến đất trong thôn ông đều biểu dương, thông báo với nhân dân trên nhóm Zalo, trên loa truyền thanh và các buổi họp thôn. Từ đó khích lệ những hộ khác làm theo. Với cách làm này, ban đầu chỉ từ một vài hộ hiến đất không lâu sau, nhiều hộ đồng loạt làm theo. Chính ông đã làm cho nhân dân nhận ra “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Nhà ông Lục Văn Lê vừa mới xây xong tường rào và làm cổng mới trị giá 40 triệu đồng. Khi ông Chiều đến vận động, ông nhất định không chịu phá bỏ tường rào và cổng để hiến đất cho Nhà nước mở đường. Khi thấy nhiều hộ hiến đất, được thôn khen ngợi, nhiều lần được ông Chiều vận động, ông Lê mới ngộ ra: “Cả thôn, bà con đồng lòng rồi, mỗi gia đình mình chưa chịu thì dân làng coi gia đình mình ra gì nữa đây. Mình phải đồng lòng cùng bà còn để tuyến đường mới được đầu tư chứ”. Vậy là ngay ngày hôm sau, ông Lê dậy từ sớm tự giác phá bỏ hàng rào và cổng của gia đình. Nhân dân trong thôn biết tin, nhiều nhà liền kề vui mừng còn bỏ ngày công sang để vận chuyển gạch đá giúp gia đình ông Lê.

Tuyến đường ĐH 20 nối từ xã Hợp Hòa sang xã Tân Thanh đoạn qua thôn Cầu Đá đã hoàn thành từ sự đồng lòng hiến đất của nhân dân.

Hộ bà Lương Thị Khoan là hộ hiến nhiều đất nhất ở Cầu Đá để Nhà nước làm tuyến đường ĐH 20. Bà Khoan đã hiến 600 m2 đất ở, đất vườn, tự nguyện phá bỏ nhiều cây ăn quả, cây sưa để giải phóng mặt bằng. Giờ tuyến đường bê tông rộng rãi đi qua nhà, bà Khoan phấn khởi cho biết: “Tuyến đường này, chúng tôi vẫn gọi là tuyến đường đoàn kết và có công lớn của ông Chiều. Khi nắm bắt được chủ trương phải hiến đất, gia đình tôi tiên phong làm trước để các hộ khác làm theo. Nhờ sự vận động của ông Chiều, nhân dân nhận ra chỉ có tất cả đồng lòng thì mới có đường đẹp, một hộ không đồng lòng, không đoàn kết với thôn thì không làm được”.

“Cây ngay chẳng sợ chết đứng”

Ông Chiều có hơn 5 năm làm Bí thư Chi bộ, 11 năm làm Trưởng thôn Cầu Đá. Ông bảo, làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”. Chặng đường làm cán bộ thôn của ông cũng gắn với những vui, buồn khi làm những con đường bê tông xã, thôn. Hiện nay, 100% đường nội thôn ở Cầu Đá đã được bê tông hóa với tổng chiều dài 13 km. Có những kỷ niệm khi làm đường bê tông giờ nhắc lại vẫn khiến đôi mắt ông Chiều ngân ngấn lệ.  Ông nói: “Mình chỉ sợ khi mình làm sai, còn nếu mình làm đúng thì nếu có một vài người chưa hiểu, mình sẽ cố gắng tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân hiểu”. Ông Chiều cho rằng, khi thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đa phần người dân hiểu và hưởng ứng, người chưa hưởng ứng chỉ là số ít vì chưa hiểu đúng. Làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, ông phải có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích để một số ít người ấy thông suốt và đồng thuận thực hiện.

Hộ bà Nguyễn Thị Minh đã tự nguyện phá bỏ tường rào và cổng để hiến đất cho Nhà nước làm tuyến đường ĐH 20.

Còn nhớ có lần thôn triển khai làm một tuyến đường bê tông nội thôn, ông Chiều khi ấy chỉ làm nguyên chức Trưởng thôn. Ông mở các cuộc họp dân để thống nhất, bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân về cách làm. Hộ nào không nghe được loa truyền thanh của thôn thông báo, ông đến tận nhà mời đi họp. Khi nhân dân thống nhất cách làm, thôn mới triển khai. Nhưng trong quá trình làm, ông Chiều nghe được một số ý kiến nhân dân vẫn còn xì xào, bàn tán về cách làm. Ngay sau đó, ông Chiều cho dừng việc thi công, tổ chức họp thôn lần nữa. Ông Chiều thống nhất với nhân dân khi tuyến đường hoàn thành mới thu tiền của nhân dân. Cũng từ đó, làm tuyến đường nào, thôn cũng không thu tiền trước của nhân dân. Quyết toán được thông báo công khai và được nhân dân bàn bạc. Khi nhân dân nhất trí, thôn mới thu tiền. Ông Chiều đứng ra cam kết với bên cung cấp nguyên liệu cát, sỏi khi thôn chưa thu tiền của dân.

Trong quá trình thi công, ông Chiều nghĩ ra sổ nhật ký thi công, ghi chép đầy đủ khối lượng, số lượng thi công để công khai, minh bạch trước dân. Với cách làm này, những tuyến đường bê tông khi thôn triển khai đều được nhân dân nhất trí, đoàn kết cao, không tiếc đóng góp sức người, sức của để thực hiện.

Năm 2020, ông Chiều không may bị tai biến, liệt nửa người. Không ít người dân cao tuổi, chống gậy, đi bộ đến thăm hỏi, động viên ông cố gắng vận động, mau khỏe trở lại để gánh vác công việc của thôn. Chính sự quan tâm, động viên của nhân dân đã cho ông “liều thuốc thần kỳ” và động lực lớn để kiên trì vận động thân thể, mau chóng bình phục, tiếp tục đảm nhận việc thôn.

Đồng chí Đàm Thị Vân Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Hòa cho biết: “Bao năm qua, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vương Đình Chiều là người giữ ngọn lửa đoàn kết, khơi dậy sự đồng thuận của nhân dân ở Cầu Đá và nhiều thôn khác trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng”.

Nhiều năm qua, ông Chiều nhận được không ít Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện về thành tích dân vận khéo và trong phong trào thi đua yêu nước song ông luôn nghĩ không được tự thỏa mãn. Bởi niềm tin yêu của nhân dân không có điểm dừng lại, đòi hỏi ông luôn phải cố gắng hơn nữa n
 

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục