Vay tiền thu mua lá tre - chuyện chưa ai dám làm!
Thôn Nà Pin nằm trên tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 279 nối từ huyện Na Hang sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Mông, trình độ nhận thức nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm đến đời sống của bà con nơi đây, công tác tuyên truyền được các cấp chú trọng thực hiện để đồng bào dân tộc tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện và hỗ trợ cho bà con làm kinh tế. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người Mông nơi đây biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển sản xuất, dần ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng no ấm, giàu đẹp.
Giám đốc HTX Toàn Tuyến Giàng A Tọa kiểm tra chất lượng lá tre sấy khô.
Đến thăm nhà gia đình anh Giàng A Tọa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Toàn Tuyến, thôn Nà Pin, trước mắt chúng tôi là cơ ngơi khang trang nằm bên cạnh xưởng thu mua và sấy khô lá tre Bát độ xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Qua câu chuyện anh kể, chúng tôi hiểu rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu, dựng xây không ngừng nghỉ. Anh Tọa tâm sự, sau nhiều năm bôn ba, ngược xuôi làm công nhân tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai nhưng cuộc sống cũng chẳng khá lên được là bao, đã có thời điểm anh nghĩ đến việc đi xuất khẩu lao động để cuộc sống bớt khó khăn hơn, nhưng vì “nặng tình” với quê hương và “đau đáu” làm thế nào để giúp bà con thoát được nghèo đã thôi thúc anh trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình trồng tre Bát độ để lấy lá. Hướng mới đã mở ra, anh về bàn bạc cùng với 4 anh, em trong gia đình vay vốn tạo việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang với số tiền 160 triệu đồng để trồng và thu mua lá tre bán cho thương lái ở Phú Thọ làm đầu mối để xuất khẩu sang Đài Loan. Là người đi tiên phong trong việc mở xưởng thu mua lá tre, anh gặp không ít những khó khăn về vốn, nguyên liệu, thị trường, kinh nghiệm... Đã có thời gian anh phải đóng cửa xưởng sản xuất do thua lỗ, thiếu nguyên liệu. Không nản lòng anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh. Hiện tại bình quân mỗi ngày Hợp tác xã của anh nhận thu mua cho bà con trên địa bàn trên 3 tấn lá tre và đang liên kết nhận bao tiêu sản phẩm lá tre cho 108 hộ dân ở các xã Đà Vị, Yên Hoa, Thượng Nông, Khau Tinh, Thượng Giáp (Na Hang) và các hộ dân ở Cổ Linh, Cao Tân, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) với diện tích trên 200 ha.
Người dân nhận tiền sau khi bán lá tre cho HTX.
Thoát nghèo trên đồng đất quê hương
Mục sở thị mô hình kinh tế của Giám đốc HTX Toàn Tuyến Giàng A Tọa mới thấy nể phục quyết tâm và sự kiên trì của chàng trai người Mông này. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình tại xưởng sản xuất của HTX, chúng tôi thấy nhiều lao động nam, nữ ở các lứa tuổi khác nhau ai nấy đều làm việc tập trung, tỉ mỉ. Người thì nhanh tay lựa chọn, sắp xếp từng bó lá tre cẩn thận, người thì vận chuyển từng vỉ lá cho vào lò sấy đảm bảo tiến độ. Chị Lý Thị Mẩy, người dân ở cùng thôn chia sẻ, chị làm cho HTX đến nay đã được hơn 1 năm, công việc chính là xếp lá tre, so với lên nương thì công việc này nhàn hơn vì không phải dầm mưa, dãi nắng mà vẫn có thu nhập, bình quân mỗi tháng chị có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Khi được HTX liên kết bao tiêu thu mua lá tre, ông Thào A Vừ không giấu được niềm vui tâm sự: “Lâu nay chúng tôi vẫn nghĩ lá tre là thứ bỏ đi rơi rụng ngoài vườn, ngay cả mang về làm chất đốt cũng hiếm thấy ai thu gom. Vậy mà nay lá tre được HTX thu mua thành sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tôi và bà con trong bản rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập mới”. Ông Vừ cho biết thêm, trước đây gia đình ông là hộ nghèo ở trong thôn, tháng 8 năm 2020, sau khi được anh Tọa vận động, ông chuyển đổi hơn 2 ha đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng hơn 600 gốc tre Bát độ. Sau hơn 1 năm thì đã cho thu hoạch lá, đến nay, bình quân mỗi ngày gia đình ông cho thu nhập gần 500.000 đồng/ngày từ việc bán lá tre và nay đã thoát nghèo.
Lá tre Bát độ được tuyển chọn trước khi cho vào sấy.
Hiện HTX của anh Tọa trung bình có từ 30 đến 40 công nhân làm việc đảm đương việc coi lò, sấy, ép, vận chuyển lá tre. Hầu hết những lao động này đều là những người dân trong thôn Nà Pin, tiền công được trả theo tiếng hoặc khoán theo sản phẩm, thu nhập của người lao động trung bình từ 150.000- 200.000 đồng/ngày.
Theo anh Tọa, với khả năng sinh trưởng tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt, do đó cây tre Bát độ thường không phải đầu tư công chăm sóc, trồng 1 năm là có thể khai thác lá. Từ đó, có thể tạo vùng nguyên liệu dồi dào. Lá tre phát triển tự nhiên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, cũng như để bà con gắn bó với cây tre, HTX phải bỏ kinh phí bù lỗ thu mua đồng giá cho bà con với giá 12.000 đồng/kg lá tre tươi.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan nhà xưởng, anh Tọa khoe với chúng tôi rằng, tháng 6 vừa qua, HTX vừa đầu tư lò sấy lá trị giá hơn 600 triệu đồng, sau khi sơ chế, lá tre được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan phục vụ nhu cầu gói bánh, các loại thực phẩm. Quá trình sơ chế lá tre trải qua nhiều công đoạn, trong đó chủ yếu dùng củi sấy qua hệ thống lọc khói bằng nước, nhờ đó hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, khi sấy nhiệt độ luôn được giám sát chặt chẽ.
Lá tre sau khi sấy khô được đóng từng cuộn để mang đi xuất khẩu.
Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, nói về tiềm năng trồng tre Bát độ của xã thì vô cùng lớn, hiện nay, những diện tích đất đồi kém hiệu quả để hoang hóa xã đang tập trung vận động người dân phát triển trồng tre để có thu nhập từ việc lấy lá, làm măng khô, những cây già cỗi bán làm nguyên liệu giấy cho Nhà máy Giấy đế Na Hang, hoặc bán cho các chủ công trình xây dựng để làm giàn giáo, cốt pha...
Với thị trường ổn định và nguồn nguyên liệu lớn, anh Tọa nhẩm tính, đến năm 2025, 45 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nà Pin sẽ thoát nghèo bền vững từ cây tre Bát độ.
Gửi phản hồi
In bài viết