Những người gắn kết
Anh Ma Văn Phương, Trưởng thôn Bản Bung là người có công đầu đưa cây bí thơm về trồng trên đất canh tác của thôn, thay thế dần cây ngô kém hiệu quả. Anh Phương nhớ lại: cuối năm 2018, anh đi biểu diễn văn nghệ tại tỉnh Bắc Kạn, trong các bữa liên hoan đều có quả bí thơm, tò mò anh hỏi người dân thì được biết đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt bảo quản được lâu. Anh xin ít hạt giống và về trồng thử trên đất trồng ngô của gia đình.
Trưởng thôn Ma Văn Phương, người có công lớn trong chuyển đổi cây trồng tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).
Anh bảo: Ngày đó anh phá bỏ 1.000 m2 cây ngô đang kỳ trổ cờ để trồng bí, ai cũng xì xào, nhưng với suy nghĩ mình là Trưởng thôn, phải làm được thì nhân dân mới làm theo, anh trồng thử nghiệm được 26 khóm bí thơm. Anh Phương chọn trồng ngay cạnh đường để nhân dân hàng ngày được kiểm chứng hiệu quả, cây bí thơm hợp khí hậu. Đầu năm 2019 đã được thu hoạch, ngoài bán, anh còn biếu hàng xóm, láng giềng để cùng thưởng thức, trừ chi phí anh lãi gần 8 triệu đồng, đây là kết quả ngoài sức tưởng tượng, hiệu quả gấp 3 lần so với trồng ngô trên cùng diện tích. Từ đó người dân Bản Bung từng bước làm theo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tính đến hiệu quả kinh tế không đi theo lối mòn. Thấy hiệu quả, nhân dân từng bước làm theo, anh phát triển được diện tích lên 2,5 ha, nhiều người dân đã không còn đói nghèo nhờ cây bí thơm luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.
Với 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Dao, Kinh, Mông và La Ha, trong đó người Tày, Dao chiếm đa số, để giữ gìn văn hóa truyền thống, trong thôn Bản Bung đã xuất hiện những cá nhân tự đi học và truyền dạy văn hóa truyền thống cho bà con. Bà Nông Thị Vy là một trong số đó. Là người dân tộc Tày, vốn biết hát Then, chơi đàn Tính từ nhỏ nhưng bị mai một nhiều do không thường xuyên biểu diễn, bà Vy đã tìm đến nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm, ở thôn Nà Đồn trong xã để học, bà cũng đi các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn tham gia biểu diễn. Khi đã nhuần nhuyễn lời then, điệu tính, bà Vy mở lớp về truyền dạy cho thế hệ trẻ ngay tại thôn.
Cộng đồng các dân tộc Bản Bung luôn sống chan hòa, gắn kết.
Ngoài bà Vy, trong thôn còn có ông Đặng Văn Biên, dân tộc Dao, hiện cũng đang là kho tàng lưu giữ những điệu hát Páo dung của người Dao, ông cũng truyền dạy, thường xuyên biểu diễn để bà con học và tham gia. Chị Đặng Thị Mụi, học viên của ông Biên cho biết: người Dao ở thôn Bản Bung nằm rải rác chứ không tập trung như người Tày, nhưng từ ngày có lớp truyền dạy của ông Biên mà hiện nay nhiều người trong thôn đã biết hát nhuần nhuyễn lại được các điệu hát Páo dung, từ nhịp cầu âm nhạc, tình đoàn kết người dân được nâng lên, ai cũng mong muốn cùng nhau bảo tồn những nét văn hóa.
Thắm tình làng, nghĩa xóm
Trưởng thôn Ma Văn Phương chia sẻ: Bản Bung xưa nghèo lắm, mãi đầu năm 2021 mới có điện lưới quốc gia. Ngày chưa có đường bê tông, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, không điện, không đường, muốn đi về trung tâm xã cũng đi bộ mất vài tiếng đồng hồ. Giữa năm 2018, khi Bản Bung được nhận xi măng hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển hạ tầng du lịch của huyện Na Hang, cả thôn như mở hội ăn mừng.
Chị Triệu Thi Mai, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn nhớ lại: con đường bê tông dài 7 km nối từ thôn Yên Thượng lên thôn Bản Bung mất 3 năm mới hoàn thành. Ngày đó xe ô tô chở vật liệu không lên được thôn, người dân dùng sức mình cõng cát về làm đường bê tông, tính trung bình mỗi người dân đã cõng hàng chục khối cát. Già trẻ, trai gái trong thôn không ai nề hà việc nặng việc nhẹ, hễ ai có thời gian là hiến sức mình vì việc chung. Nhìn con đường hoàn thành mới thấy sự đoàn kết của nhân dân nơi đây lớn đến nhường nào.
Con đường bê tông dài 7 km lên Bản Bung là sự đồng lòng đóng góp công sức của người dân để làm đường.
Mới đây nhất là phong trào làm đường bê tông nội đồng, con đường dẫn vào khu sản xuất Bó Củng dài chưa đến 100 m nhưng lại trở thành “ác mộng” với cả người dân và thương lái đến thu mua nông sản của bà con. Sau khi được vận động làm đường, nhiều hộ dân đã đứng ra hiến đất, đóng góp tiền của để làm đường, cùng bỏ công lao động. Gia đình chị Triệu Thị Uyên là hộ nghèo của thôn, nhà đông con, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, các con ốm đau liên miên, 2 vợ chồng xoay sở đủ nghề nhưng vẫn không khá lên được, khi cả thôn cùng làm đường bê tông, chị cũng mong muốn đóng góp, nhưng xét thấy hoàn cảnh khó khăn, tất cả các hộ dân đều đồng tình miễn đóng góp cho gia đình, miễn cả ngày công lao động…
Người dân Bản Bung nay đã có nhiều hộ khá, đời sống bà con từng bước nâng lên, thu nhập bình quân ước đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trong xã hiện còn 22 hộ, dự kiến năm nay sẽ giảm tiếp 10 hộ nghèo. Đặc biệt, Ban Công tác Mặt trận thôn Bản Bung đã có kế hoạch năm 2023 sẽ đứng ra tín chấp vay vốn cho một số hộ nghèo trong xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mỗi cán bộ thôn sẽ là 1 cán bộ khuyến nông, cùng nhau giúp đỡ nhân dân thoát nghèo. Anh Ma Văn Phương chia sẻ: năm nay, anh đang đứng ra giúp đỡ 15 hộ trồng cây bí thơm. Gia đình anh cũng đang trồng thử nghiệm 2.000 m2 khoai tây, dự kiến bán vào dịp cận Tết Nguyên đán sắp tới, nếu thành công, anh sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích cho bà con.
Hộ gia đình chị Ma Thị Pu thuộc diện hộ nghèo của thôn, năm 2021, chồng chị không may qua đời, là hộ nghèo, chị dường như rơi vào bế tắc vì không có tiền làm tang. Không ai bảo ai, cả thôn Bản Bung cùng chung tay quyên góp được hơn 3 triệu đồng, để chị được thực hiện trọn vẹn nghĩa cử với chồng mình. Chị Pu không giấu được niềm xúc động, khi đầu năm nay, thôn đề xuất với xã cho chị tiếp cận nguồn vốn để mua trâu, bò về nuôi sinh sản, hiện chị đang cố gắng lao động, chăn nuôi, quyết tâm thoát nghèo. Chị bảo, đây cũng là cách mà mình muốn cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người.
Anh Ma Văn Phương cho biết thêm, hiện nay nhà văn hóa trung tâm của thôn đang xây dựng sắp hoàn thành, bà con vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Để thi công thuận lợi, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Năm nay, thôn rà soát, vận động một số hộ dân chỉnh trang lại nhà cửa, tham gia học tập để thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng (Homestay) tại thôn.
“Nhà ai có việc cả bản xắn tay vào làm”, người Bản Bung bảo nhau thế. Ở Bản Bung, tinh thần đoàn kết luôn vững bền như màu xanh của những cánh rừng luôn được nhân dân đồng lòng bảo vệ,
Gửi phản hồi
In bài viết