Ông Khổng Khắc Minh. |
Năm 1996, ông được giao đảm nhiệm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố. Tổ có 2 khu dân cư. Trong đó Làng Dùm có 52 hộ dân, đa phần là đồng bào Dao.
Ông Minh hoài niệm, từ năm 2020 trở về trước, Làng Dùm là vùng đặc biệt khó khăn của thành phố. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chưa đầy 10 cây số nhưng cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây muôn vàn khó khăn, thiếu thốn vì không điện lưới, không nước máy sinh hoạt, không sóng điện thoại. Phương tiện duy nhất, nhanh nhất để đến Làng Dùm là đôi chân. Bao năm trời, đôi chân của ông không biết mệt mỏi, con đường gập ghềnh đá in dấu biết bao bước chân của ông. Ông đến từng nhà, nắm bắt đời sống tinh thần, vật chất của họ, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng, hướng dẫn người Dao làm kinh tế; vận động người dân trồng rừng.
Thấu hiểu cảnh đồng bào mình sống trong cảnh thiếu thốn, lạc hậu, ông Minh luôn trăn trở là làm sao để bà con bứt phá trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cách đây hơn 20 năm, ông đưa ra sáng kiến đổi măng lấy gạo. Bà con kiếm được bao nhiêu măng, ông thu mua hết rồi quy ra gạo trả cho bà con. Cứ như vậy, Làng Dùm vượt qua nhiều “cơn đói”. Nhận thấy giá trị của cây dong riềng, ông tự bỏ tiền mua 12 tấn giống cung ứng cho các hộ dân, đầu tư máy móc, bể lọc trên tận Làng Dùm, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Dự án này thất bại, phần vì bà con không áp dụng đúng kỹ thuật cây không phát triển được; phần vì do đói nghèo, người dân đào củ dong riềng ăn đỡ cơm. Ông bị mất trắng 18 triệu đồng. Số tiền này khi ấy có thể xây được cả căn nhà cấp 4.
Là đảng viên, ông Minh luôn nêu gương, tiên phong trong phát triển kinh tế. Trong suốt những năm qua, ông tập trung trồng rừng, thu mua lâm sản; sản xuất cá giống; nấu rượu chăn lợn. Ông luôn suy nghĩ, trước tiên mình phải nỗ lực làm giàu vì chính gia đình mình. Sau là vừa hướng dẫn, cầm tay chỉ việc đồng bào Dao làm kinh tế. Bởi lẽ đó, thất bại sau dự án dong riềng, ông Minh chẳng buồn toan tính mà tiếp tục hướng dẫn bà con đào ao, thả cá; nấu rượu, chăn lợn, chăn nuôi dê… Chăn nuôi con gì, ông thường ứng giống hoặc bỏ tiền túi mua giống cho bà con vay song hầu hết hiệu quả kinh tế đem lại không như mong muốn. Nguyên nhân của sự thất bại là do hạ tầng cơ sở chưa có, trình độ nhận thức của bà con hạn chế nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong phát triển kinh tế chưa hiệu quả.
Ông Khổng Khắc Minh chăm sóc cá giống.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Làng Dùm được đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở điện, đường. Cùng với đó, đời sống kinh tế của đồng bào Dao trên núi Dùm đã có nhiều bứt phá, đi lên từ phát triển rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững như hộ gia đình ông Chu Văn Tâm, Đặng Văn Tích. Từ 100% hộ nghèo, hiện nay Làng Dùm chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,7%.
Đồng chí Phùng Văn Vân, Bí thư Đảng ủy phường Nông Tiến nhận xét, 26 năm qua, ông Minh luôn tận tụy trong công việc, hết lòng trên cương vị, chức trách được giao. Cuộc sống của đồng bào Dao Làng Dùm giờ đã đổi thay, trong đó một phần công sức không nhỏ của ông Minh.
Gửi phản hồi
In bài viết