Nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến: Cầu nối nghệ thuật với khán giả

Sau một thời gian xây dựng theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mới đây, mô hình nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến đã chính thức được triển khai với những chương trình nghệ thuật biểu diễn đầy sức sống.

Đây là cầu nối để tiếp tục đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân trong bối cảnh hiện nay, đồng thời truyền đi thông điệp đẹp đẽ về sự kiên cường của nghệ thuật giữa mùa dịch bệnh.

Thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp tại nhà

Được luyện tập, xây dựng, ghi hình tại tỉnh Thái Nguyên, chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thực hiện đã phát sóng tối 27-7 trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ngay tại nhà, khán giả được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi quê hương, đất nước, tái hiện tinh thần bất khuất, đáng tự hào của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.  

Song, hứng khởi nhất là chương trình “Cháy lên” nằm trong chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến, với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do 5 nhà hát nghệ thuật hàng đầu thực hiện, diễn ra tối 1-8 thu hút hàng nghìn người theo dõi trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và nhiều trang Facebook của các nhà hát, nghệ sĩ nổi tiếng. Dưới sự dẫn dắt của Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, khán giả đã được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, tại các điểm cầu khác nhau. Có thể kể đến các tiết mục: “Đồng lòng Việt Nam” (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam), xiếc thăng bằng trên thang (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), trích đoạn chèo “Thị Màu lên chùa” (Nhà hát Chèo Việt Nam)…

Trước đó, tối 28-7, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng chủ trì tổ chức chương trình nghệ thuật trực tuyến “Tổ quốc trong tim” phát trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và trên Facebook Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Chương trình đã đưa khán giả đến 5 địa điểm, gặp gỡ các nghệ sĩ được yêu mến, như: Nghệ sĩ ưu tú Đức Long (Hà Nội), Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh (thành phố Hồ Chí Minh), Nghệ sĩ ưu tú Tiến Lâm (Nghệ An)…

Được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật chuyên nghiệp ngay tại nhà, chị Trần Thu Lan (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Dù không có điều kiện kỹ thuật tốt nhất, không có khán giả cổ vũ trực tiếp, nhưng các nghệ sĩ đã đem đến nhiều tiết mục đặc sắc, giàu nghệ thuật, giúp người xem được truyền năng lượng, sự lạc quan để chiến thắng dịch bệnh”.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có 10 chương trình nghệ thuật được thực hiện theo mô hình nhà hát trực tuyến. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chọn 24 chương trình nghệ thuật, vở diễn xuất sắc của các đơn vị nghệ thuật để phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đơn vị khác triển khai hoạt động nhà hát truyền hình.  

Xu thế của thời đại

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bộ chỉ đạo triển khai nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến, nhằm tạo hướng đi mới đưa nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp đến khán giả trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo, công bố tác phẩm, xây dựng các chương trình nghệ thuật cổ vũ tinh thần toàn dân chống dịch... Quan trọng hơn, việc xây dựng nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến là xu thế của thời đại mới, cùng với hình thức nhà hát truyền thống phát triển, lan tỏa nghệ thuật biểu diễn.

Để triển khai hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên truyền hình và trên nền tảng số hiệu quả, Nghệ sĩ ưu tú Lê Khánh Toàn, Quyền Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho rằng, cần đầu tư các tiết mục phù hợp, truyền cảm hứng đến nhiều đối tượng, lứa tuổi. Chẳng hạn, chương trình “Những ngôi sao bất tử” sử dụng các ca khúc quen thuộc, nhưng được phối khí mới, cùng ngôn ngữ múa hiện đại, tươi trẻ, nhằm tăng tính hấp dẫn với khán giả.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, cần tận dụng công nghệ nhiều hơn, rộng hơn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng các chương trình, nội dung giải trí trên các nền tảng mạng xã hội, như YouTube, TikTok để tăng tương tác với khán giả, quảng bá tác phẩm mới… Còn Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh chia sẻ, do đang ở thành phố Hồ Chí Minh - nơi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nên để tham gia chương trình nghệ thuật “Tổ quốc trong tim”, chị đã phải tự chuẩn bị sân khấu, lựa chọn góc quay, đặt máy quay… “Nhưng tôi rất hạnh phúc và hứng khởi được gặp gỡ khán giả, đem lời ca, tiếng hát cổ vũ mọi người”, Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh nói.

Cùng tâm trạng khi tham gia chương trình nghệ thuật “Cháy lên”, ca sĩ Trần Phương Mai (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) phấn khởi, đây là cơ hội để trải nghiệm hình thức biểu diễn mới với nghệ sĩ, làm sao để đứng trên sân khấu không khán giả, mà nghệ sĩ vẫn thăng hoa, “cháy” hết mình.

Về những e ngại khi thực hiện nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến thì khi dịch bệnh qua đi, khán giả sẽ ít đến rạp xem trực tiếp, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, Cục đã bàn luận với các đơn vị nghệ thuật để chọn lựa chương trình phù hợp với từng hình thức nhà hát. Nhà hát truyền thống sẽ giới thiệu các tác phẩm, vở diễn mới, được dàn dựng công phu, trọn vẹn, hướng đến đối tượng cụ thể. Nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến sẽ đem đến những chương trình, tiết mục, trích đoạn đặc sắc. “Mục đích cuối cùng là đưa nghệ thuật biểu diễn đến đông đảo công chúng”, ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục