Nỗi lo cơm áo
Không phải chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, sân khấu đóng cửa, câu chuyện về đời sống khó khăn của người nghệ sĩ ở một số lĩnh vực mới được nhắc đến. Trước đó, chuyện “cơm áo gạo tiền” đã là nỗi trăn trở thường trực của những người làm sân khấu Thủ đô, đặc biệt là với sân khấu truyền thống hay nghệ thuật hàn lâm.
Trong một tham luận gần đây, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam có phân tích rất cụ thể về cơ chế chính sách đối với nghệ sĩ và thấy rằng mặt bằng thu nhập chung của nghệ sĩ hiện đang ở mức thấp. Chẳng hạn, ngoài mức lương theo ngạch bậc, chế độ phụ cấp cho mỗi buổi tập của nghệ sĩ có khi chỉ bằng... bát phở. Cụ thể, cao nhất là diễn viên chính cũng chỉ có 80.000 đồng/buổi tập, giảm dần xuống nhân viên hậu đài, hóa trang... chỉ còn 35.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, cao nhất đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu cũng chỉ là 200.000 đồng/buổi diễn.
“Điều dễ thấy nhất là nhiều nghệ sĩ trẻ gặp khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương... hay nghệ thuật hàn lâm như opera, giao hưởng, ballet. Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng. Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu... Chưa kể là các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động”, NSƯT Trần Ly Ly lo lắng chia sẻ.
Phải tính dài hơi
Chính mặt bằng đời sống chung thấp nên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, các sân khấu đóng cửa đã đẩy nhiều nghệ sĩ vào cảnh lao đao. Nhiều nghệ sĩ lên mạng xã hội chia sẻ rằng, họ phải mưu sinh bằng chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online...
Theo Nghị quyết 68 NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng nằm trong danh sách được hỗ trợ. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số nghệ sĩ được hưởng chính sách này trên cả nước là hơn 2.000 người với mức hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này mới chỉ mang tính động viên trong ngắn hạn.
Theo NSƯT Trần Ly Ly, nỗi lo cơm áo là yếu tố đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho các đơn vị nghệ thuật. Đây cũng là vấn đề đầu tiên cần tính đến trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng nhiều lần lên tiếng về chính sách cho nghệ sĩ nói chung, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Theo anh, hiện biên chế dành cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ không có, buộc nhà hát phải ký hợp đồng dẫn đến khó khăn trong việc chi trả lương. Đây là lực lượng chủ lực của các nhà hát nhưng mức lương hợp đồng, thù lao quá thấp khiến họ không đủ sống, khó nói chuyện yên tâm cống hiến cho nghệ thuật.
Nhiều chương trình nhảm, nghệ sĩ nghiệp dư nhưng nhờ vào công nghệ lăng xê lại trở nên nổi tiếng, “hốt bạc”, trong khi các nghệ sĩ chân chính được đào tạo bài bản cả chục năm, tha thiết với nghệ thuật chân chính thì có đời sống khó khăn. Đây là trăn trở của không chỉ của riêng nghệ sĩ mà còn của cả những người yêu nghệ thuật. Nâng cao đời sống của nghệ sĩ thì mới giúp họ yên tâm với nghề, cống hiến cho khán giả những tác phẩm đỉnh cao, từ đó quay lại nuôi sống nghệ thuật. Bài toán đó tuy không dễ trả lời nhưng rõ ràng là việc cần làm.
Gửi phản hồi
In bài viết