Như cánh diều ngược gió

- Ít ai biết rằng cô giáo 9x Lê Thu Thảo, giáo viên bộ môn Sinh học, trường THPT Tháng 10, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã từng trải qua nhiều biến cố cuộc đời. Đó là những năm tháng lần lượt mẹ, rồi cha qua đời do tai nạn giao thông. Vào năm 16 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, căn bệnh tiểu đường khiến cô rơi vào trạng thái hôn mê sâu, phải từng giờ, từng phút chiến đấu với tử thần khi chỉ còn 50% cơ hội sống…

Mất mát không thể bù đắp

Tôi gặp cô giáo Lê Thu Thảo vào ngày lập hạ oi ả. Trong tiếng quạt máy lách tách và tiếng ve râm ran trong vòm lá, những mảnh ghép cuộc đời cô giáo trẻ dần dần hiện ra…

Năm 4 tuổi là lúc những đứa trẻ cần được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình thì mẹ cô đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Đứa trẻ lên 4 khi đó còn chưa kịp hiểu nỗi đau thiếu mẹ, chỉ có tiếng khóc ngằn ngặt của cậu em trai mới tròn 11 tháng tuổi vẫn còn hơi sữa. “Những ký ức về mẹ mờ nhạt lắm, vì lúc ấy còn nhỏ quá mà” – cô nói trong ánh mắt rưng rưng. Nỗi nhớ thương mẹ còn chưa kịp nguôi ngoai thì mấy năm sau đó, bố cô cũng vì tai nạn giao thông mà bỏ chị em cô bơ vơ ở lại cuộc đời. “Ông bà, các bác vẫn thi thoảng nhắc đến bố, bảo rằng khi còn sống bố hay làm thế này, dáng điệu thế này, nói thế kia… Đến giờ khi đã lập gia đình, mình mới hiểu ngày xưa không có bố mẹ, chị em mình đã thiệt thòi thế nào”- cô Thảo chia sẻ.

Cô giáo Lê Thu Thảo.

Bằng những ký ức nhỏ nhoi về cha mẹ cùng tình yêu thương của người thân trong gia đình, hai chị em cô nương tựa vào nhau, cùng nhau lớn lên, trưởng thành. Ý chí học tập cứ lớn dần lên theo năm tháng và thành quả đầu tiên đó là năm 2009, cô đỗ lớp chuyên Sinh học, trường THPT Chuyên Tuyên Quang. “Năm ấy cũng là lúc mình phát hiện mắc bệnh tiểu đường. Mình ăn nhiều mà vẫn gầy rộc, mệt mỏi, nôn nhiều, bụng đau. Vào viện cấp cứu thì lại được chẩn đoán theo dõi ruột thừa, phải nhịn ăn, nhịn được một ngày thì rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Rồi các bác khóc ngất khi nghe bác sỹ thông báo chỉ còn 50% cơ hội sống. Ai ngờ đâu cuộc đời vẫn mỉm cười với mình…”. Từng lời tâm sự bộc bạch những tháng ngày đã qua được kể bằng giọng điệu thật nhẹ nhàng, thế nhưng, phải mạnh mẽ đến thế nào cô gái ấy mới có thể vượt qua như thế.

Suốt 14 năm từ ngày phát hiện bệnh, ngày nào cô Thảo cũng phải tự tiêm 4 mũi insulin để kiểm soát đường huyết. “Trông người nhỏ nhỏ thế này thôi chứ hai bắp tay với chân to lắm, vì tiêm nhiều mà. Bệnh này chế độ ăn uống phải kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng mình ăn mãi cũng thành quen, thậm chí tránh được nhiều loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Nếu không kiêng được thì dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm lắm. Suy thận, suy tim, huyết áp cao thậm chí cả liệt chân, mù mắt …Chẳng còn cách nào cả, mình phải sống chung với nó thôi.".

Ngược gió

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tháng 9-2017, cô giáo Lê Thu Thảo được phân công công tác tại trường THPT Đông Thọ (Sơn Dương). “Ngày ấy đường đi xấu lắm, không được thuận lợi như bây giờ. Nhà cách trường chỉ 28 km thế nhưng nếu trời đẹp, không mưa thì cả qua đò cũng phải mất 1 tiếng. Ngày mưa thì lúc nào cũng phải mang theo quần áo dự phòng.

Bên ngoài mặc bộ quần áo mưa, ngã không biết bao nhiêu lần, đường đất trơn nên bánh xe cứ quay ngang ra…Vì con còn nhỏ nên mình cứ sáng đi chiều về với con. Gần 2 năm học như thế. Nhưng mình biết so với những thầy cô giáo vùng cao, những khó khăn ấy vẫn chưa là gì”. Sau khi thi đỗ viên chức, đầu tháng 1-2019, cô Thảo được phân công về công tác tại trường THPT Tháng 10. Sự đam mê và tình yêu với nghề chính là chất keo để cô gắn bó với nghề giáo viên đến tận ngày hôm nay.

Một giờ dạy học trên lớp của cô giáo Lê Thu Thảo.

 “Tại sao vào những ngày mưa to, có sấm chớp, hôm sau ta sẽ thấy cây cối tươi tốt hơn?” - Đó là cách cô giáo Lê Thu Thảo giúp các em học sinh bắt nhịp với từng bài học. Nếu nguồn cảm hứng với bộ môn Sinh học là một ngọn lửa rực cháy thì niềm đam mê, sự kiên trì chính là bó đuốc để ngọn lửa ấy cháy mãi. Và để tạo được cảm hứng với những ví dụ thực tế thú vị, cô phải thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, những xu hướng mới của giới trẻ, không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân.

Vượt qua những khó khăn, bằng tinh thần nhiệt huyết, cô giáo Lê Thu Thảo và học trò của mình đã đạt được những thành tích đầu tiên. Đó là 2 giải ba, 1 giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học lớp 11 năm học 2022-2023, 1 giải ba môn Sinh học trong cuộc thi thí nghiệm thực hành cấp tỉnh năm 2023.

Ai cũng hiểu rằng, sau những thành công ấy đó là sự đánh đổi thời gian dành cho gia đình, sự mỏi mệt của căn bệnh phải theo suốt cuộc đời và cả niềm tin yêu, sự động viên dành cho những cô cậu học trò của cô giáo Lê Thu Thảo: “Môn Sinh học lượng kiến thức nhiều và rộng, các em lại như một trang giấy trắng. Nhiều lúc cả cô lẫn trò đều nản chí, nhưng rồi bản thân mình lại tự động viên: Tại sao không cố gắng hết sức để thấy được mình có thể đi xa đến đâu?". 

Thành tích dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi chính là những trái ngọt đầu tiên cô giáo Lê Thu Thảo gặt hái được trên hành trình "đưa đò sang sông" của cuộc đời. Những nỗi đau bệnh tật, sự mệt mỏi do rối loạn đường huyết nhưng cô tạm hoãn về bệnh viện Trung ương điều trị để đồng hành cùng các em cũng đã qua đi. Cô thầm cảm ơn vì các em đã tin tưởng chọn mình và bộ môn Sinh học, cảm ơn vì những lời bộc bạch từ đáy lòng của những cô cậu học trò yêu thương: "Em cảm ơn cô vì đã dìu dắt, chỉ bảo em từ những điều nhỏ nhất...", "em hiểu giải ba em đạt được là quá trình cô đã gian nan, vất vả vì chúng em thế nào..."...

Sự quyết tâm, nghị lực của cô giáo trẻ Lê Thu Thảo như những cánh diều, chính vì ngược gió mà càng bay cao. Dẫu phía trước không ít gian truân nhưng tình yêu nghề và nghị lực được bồi đắp qua bao tháng năm, cô giáo trẻ sẽ vượt qua để đưa những con đò cập bến- tôi tin như thế.

Phóng sự: Thùy Lê  

Tin cùng chuyên mục