Giữ lời hứa với dân

- Trong mỗi cuộc bầu chọn người đại diện cho mình, những người Mông, người Tày ở thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) đều nhất loạt bỏ phiếu cho bà Hoàng Thị Thương làm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn. Có được sự tín nhiệm này, là nhờ sự gần gũi, hết lòng vì việc chung và cả những cam kết “hứa là làm” mà bà tâm niệm, hiện thực trong suốt 10 năm qua.

Làm vì trách nhiệm

Cứ mỗi tuần hai buổi chiều, khi khói đã lưng chừng mái bếp, bà Hoàng Thị Thương lại chạy chiếc xe máy của mình đi từng nhà để hỏi han, chia sẻ công việc của một ngày bận rộn. Đồng bào Mông ở thôn 6 Minh Tiến sáng chưa tỏ mặt người đã lên nương, vào rừng, mặt trời đi ngủ sau rặng tre mới trở về. Cán bộ thôn muốn báo việc thôn việc làng, hay đơn giản là muốn đến chia sẻ, chuyện trò... cũng đều phải chọn cái giờ “oái oăm” như thế. Chủ nhà nhóm bếp lửa, cơm nước, lợn gà, bà Thương vừa xăm xắn cùng làm, vừa tranh thủ nói việc của mình.

44 téc trữ nước được bà Thương đề xuất hỗ trợ cho đồng bào Mông ở thôn 6 Minh Tiến.

Bà Thương năm nay đã ngoài 60 tuổi. Trong một thôn mà đồng bào Mông chiếm đa số như ở thôn 6 Minh Tiến, nữ cán bộ thôn người Tày này “được lòng” bà con lắm. Bà Thương cũng không biết vì sao mình lại được bà con tín nhiệm như vậy, bà bảo, có lẽ là vì tâm niệm “hứa là phải làm” bà thực hiện suốt 4 nhiệm kỳ làm Bí thư chi bộ, 2 nhiệm kỳ vừa làm Bí thư chi bộ, vừa làm Trưởng thôn.

Như câu chuyện đưa nước sạch về làng. Thôn 6 Minh Tiến đã từng được hỗ trợ xây dựng một công trình nước sạch, nhưng quá trình vận hành đã bị hỏng hóc, nước không về đến bản được. Mấy tháng trời, bà con phải cõng can đi xin nước khắp nơi về để sử dụng. Bà Thương ra xã, đề nghị được xây dựng lại một công trình cấp nước sinh hoạt. Có nước sạch về đến làng, nhưng vì đời sống bà con còn nhiều khó khăn, bà lại xin hỗ trợ 44 téc nước cho 44 hộ đồng bào khó khăn nhất để bà con có nơi trữ nước cho hợp vệ sinh, không phải trữ nước vào can nhựa, thùng nhựa không có nắp đậy nữa... Bà con phấn khởi lắm. Thôn 6 Minh Tiến giờ 100% đồng bào được sử dụng nước sạch.

Khi dân tin, việc khó cũng thành dễ

Cứ sau mỗi việc bà làm được cho bà con, uy tín của người cán bộ người Tày này lại tăng thêm một chút.

Có một thời kỳ, đồng bào Mông ở thôn 6 Minh Tiến nghe lời người xấu. Bà con không tiếp xúc với ai, cánh cửa trước mỗi ngôi nhà đều im ỉm, cảnh giác với tất thảy. Có những người, không biết cố tình hay vô ý, trước mặt bà đều nói những lời rất khó nghe. Bà bảo, thất vọng và tổn thương nhiều lắm. Nếu không vì hai chữ Trách nhiệm, thì bà đã bỏ việc ngang chừng mà ở nhà chăm cháu rồi.

Bà Thương vẫn kiên trì đến từng nhà. Những đứa trẻ chưa có bảo hiểm, bà đến tận nhà đưa thẻ bảo hiểm. Những đứa trẻ vừa sinh không có giấy khai sinh, bà chở người nhà đến tận xã làm giấy khai sinh. Những người già ốm đau không có thuốc, bà cũng bỏ tiền mua thuốc mang đến tận giường... Cứ thế, câu chuyện cởi mở dần. Cái xấu cũng được loại bỏ. Cái nhìn của bà con với bà Thương cũng không còn khắt khe nữa.

Niềm vui của gia đình ông Hoàng Văn Đình trong ngôi nhà mới vừa được hỗ trợ xây dựng.

Bà Thương cũng chọn làm nhiều việc khó hơn, để đời sống đồng bào Mông ở đây mỗi ngày được cải thiện hơn. Chuyện xây dựng công trình vệ sinh từng được ví khó như hái sao trên trời, cũng được bà chọn làm từng bước một. Kiên trì, nhiệt tình, trách nhiệm, cách làm của người nữ cán bộ này là “cầm tay chỉ việc”. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Thị Thương, cán bộ y tá thôn bản, cán bộ ban công tác mặt trận đi từng nhà để nói về lợi ích của việc có công trình hợp vệ sinh với sức khỏe của bà con. Có hộ, các bà phải cùng cầm cuốc, cầm xẻng, đào hố, đặt từng viên gạch... Nhà nào làm được, bà lại gọi nhà sát vách đến để học hỏi, xem sự tiện lợi, vệ sinh và hạch toán chi phí... Cứ thế, từ một nhà ra hai nhà, từ hai nhà ra vài nhà, giờ ở thôn 6 Minh Tiến, số hộ có công trình vệ sinh đạt chuẩn đã đạt trên 80%. Nhà ông Hoàng Văn Đình vừa được hoàn thành nhờ hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đã quyết định xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn ngay từ đầu. Ông bảo, trước kia người Mông mình quan niệm, không để những thứ xú uế gần nhà, nhưng giờ được cán bộ hướng dẫn, được tận mắt nhìn thấy những nhà trước làm rồi, mình cũng phải học làm theo thôi. 

Năm 2022, khi thực hiện lắp đặt cấu kiện kênh mương nội đồng, một đoạn kênh chừng chục mét dài chạy qua ruộng của một gia đình người Mông. Nói kiểu gì người chủ nhà cũng không nhất trí. Cứ chiều chiều, bà lại chạy xe máy đến nhà, tỉ tê bảo công trình này không phải sử dụng ngày một ngày hai đâu, còn đến đời con đời cháu mình nữa mà. Chạy qua ruộng nhà mình mất một ít đất, nhưng mấy nữa con cháu mình không phải vất vả đi tìm nguồn nước cho cây lúa như mình trước đây nữa. Rồi cây lúa đủ nước, cho bồ thóc đầy, mình được hưởng cả đấy chứ... Nói mãi,  chủ hộ cũng đồng ý. Cuối năm vừa rồi họp tổng kết công tác thôn bản, gia đình được biểu dương, khen thưởng bằng những tràng vỗ tay và cái bắt tay động viên của bà con trong thôn, mình mừng, họ cũng mừng. Bà bảo, có những món quà “vô giá” như thế đấy.

Người đảng viên Hoàng Văn Nhánh - một trong 6 đảng viên người Mông của chi bộ thôn 6 Minh Tiến bảo, mình trẻ thế, nhưng không học được bà Thương đâu. Bà cứ kiên trì từng việc, từng ngày, việc gì đến tay bà cũng đều gọn ghẽ, giải quyết được cả. Họp chi bộ, đảng viên chưa đến bà đã đến tự quét dọn, pha nước, sẵn sàng chờ từng người rồi.

Năm 2023, trong cuộc gặp mặt, biểu dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023, bà Hoàng Thị Thương là cá nhân duy nhất của xã Minh Hương được khen thưởng. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Hương Triệu Văn Bình bảo, bà con ở thôn 6 Minh Tiến ví bà Thương giống như người đại diện tận tụy. Có những việc, nếu không có người nữ cán bộ này, thì tiếng nói từ chính quyền đến người dân sẽ không thuận lợi được như vậy đâu!

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục