Tổng bộ Việt Minh
Là cơ quan thường trực của Mặt trận Việt Minh, có khoảng 20 cán bộ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Bí thư Tổng bộ Việt Minh; đồng chí Xuân Thủy là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên truyền Tổng bộ Việt Minh, thường trực tại Tổng bộ.
Tổng bộ Việt Minh đã ở và làm việc tại nhiều địa điểm tại Tuyên Quang như Đồng Man, Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (1948-1949); Bản Tai xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa (1950-1951).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng, cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội trường tổ chức Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Hội Liên Việt. (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chủ trương của Hội nghị toàn quốc lần thứ ba (khóa I) của Đảng, Tổng bộ Việt Minh đẩy mạnh các hoạt động nhằm tập hợp ngày càng đông đảo hơn nữa các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, phát động các phong trào phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc, đỡ đầu bộ đội; đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, bãi công, bãi thị ở vùng tạm chiếm.
Tổng bộ Việt Minh xuất bản báo Cứu quốc. Tờ báo không chỉ là cơ quan ngôn luận của Mặt trận, mà còn làm nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng và Chính phủ.
Một công việc hết sức quan trọng của Tổng bộ Việt Minh trong giai đoạn 1950-1951 là thực hiện Chỉ thị ngày 9-10-1949 của Ban Thường vụ Trung ương về việc hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt. Tổng bộ Việt Minh đã chỉ đạo các cấp Việt Minh chuẩn bị cơ cấu tổ chức, nhân sự, tiến tới thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt.
Mặt trận Liên - Việt
Tháng 1-1950, Cơ quan Mặt trận Liên - Việt chuyển đến Thiêng Phầy, thôn Nà Bó, xã Kiên Đài. Đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư Đảng đoàn của Mặt trận Liên - Việt.
Các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt chụp ảnh lưu niệm trước nhà ở của đại biểu tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 3 năm 1951).
Mặt trận Liên - Việt đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến. Các tổ chức trong Mặt trận đã được kiện toàn, củng cố và phát triển ở toàn quốc. Các đoàn thể đã thực sự là cầu nối giữa Đảng và quần chúng.
Từ ngày 19 đến ngày 24-11-1950, Mặt trận Liên - Việt tổ chức Hội nghị Hòa bình thế giới (Hội nghị Hòa bình ba nước Đông Dương) tại thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Hội nghị đã thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương cùng chung sức chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ hòa bình trên bán đảo Đông Dương.
Tại thôn Nà Bó, xã Kiên Đài, các cán bộ cơ quan Mặt trận Liên - Việt tổng hợp tình hình công tác mặt trận, giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt hoàn thiện báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng” trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; chuẩn bị nội dung và công tác tổ chức Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt.
Cuối năm 1952, cơ quan Mặt trận Liên - Việt chuyển đến thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương ở cùng nơi với Ban Thường trực Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Gửi phản hồi
In bài viết