Ban Thanh tra Chính phủ được thành lập tháng 12-1949. Tổng Thanh tra: ông Hồ Tùng Mậu, Phó Tổng Thanh tra: ông Trần Đăng Ninh, Thanh tra: ông Tô Quang Đẩu. Tháng 7-1951, ông Nguyễn Văn Trân được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra Chính phủ. Ban Thanh tra Chính phủ làm việc tại khu vực Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ khi thành lập cho đến kết thúc nhiệm vụ.
Di tích Ban Thanh tra Chính phủ tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Ban Thanh tra Chính phủ làm việc chung với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Chỉ có cụ Hồ Tùng Mậu và một thư ký chuyên trách công việc Ban Thanh tra Chính phủ, còn đồng chí Trần Đăng Ninh và các cán bộ khác vừa là ủy viên, phái viên Ban Kiểm tra Trung ương, vừa là ủy viên, phái viên Ban Thanh tra Chính phủ.
Ban Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ lập các đoàn thanh tra việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân: Tháng 5-1950, thanh tra Liên khu Việt Bắc về việc thi hành lệnh tổng động viên và tình hình dân sinh; thanh tra Liên khu IV về việc tăng cường, củng cố mối quan hệ quân dân và thực hiện chính sách dân tộc; cùng Ban Kiểm tra Trung ương, Cục Thanh tra Quân đội lập đoàn thanh tra vụ Trần Dụ Châu; tháng 3 năm 1952, điều tra vụ tham ô công quỹ công trình kiến trúc giao thông Liên khu III, Liên khu IV. Tháng 6-1953, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, sử dụng hầu hết cán bộ của Ban Thanh tra Chính phủ vào công tác này.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (5/1952).
Ban Thi đua ái quốc Trung ương thành lập tháng 1-1948. Trưởng ban là cụ Tôn Đức Thắng, Tổng Thư ký là ông Hoàng Đạo Thúy. Ban có các tiểu ban: Thi đua, Kiểm tra, Tuyên truyền.
Từ cuối năm 1948 đến cuối năm 1949, Ban Thi đua ái quốc làm việc ở Đồng Man, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Tháng 3-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc, nêu rõ: Mục đích thi đua ái quốc là “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”1.
Ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người viết: “Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào Thi đua ái quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mình, phải cố làm cho được”2.
Ban Thi đua ái quốc Trung ương đặt ra kế hoạch, nội dung thi đua cụ thể, đẩy mạnh phong trào thi đua trên khắp các địa phương, các mặt trận.
Gửi phản hồi
In bài viết