Tuy nhiên, thời gian qua, một số cá nhân đã tự thành lập, tuyên truyền một số “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn. Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tuyên truyền “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật; từng bước xóa bỏ, ngăn chặn các loại hình trên xâm nhập vào địa bàn hoạt động.
Tuyên Quang có 03 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động, tuân thủ theo các quy định của pháp luật là Công giáo, Tin lành, Phật giáo. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh tôn giáo như: “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”; “Ân điển cứu rỗi”; “Đức Chúa trời toàn năng”; “Pháp môn diệu âm”; “Tín ngưỡng tâm linh Hồ Chí Minh” (Hoàng Thiên Long)...
Các loại hình nói trên đã lôi kéo, thu hút nhiều người tham gia, lợi dụng màu sắc tôn giáo để hợp pháp hoá hoạt động, tạo dựng hình ảnh từ các yếu tố được nhiều người biết đến và quan tâm, bước đầu đã có sự ảnh hưởng nhất định như: Đối tượng thờ phụng là các hình tượng trong truyền thuyết dân gian, các vị vua có công với đất nước, anh hùng dân tộc, lãnh tụ cách mạng...
Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn huyện Sơn Dương cam kết không tham gia các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật
Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới” đều lộn xộn và trái pháp luật; tổ chức lỏng lẻo, nghi lễ đơn giản và mang tính ước lệ; tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp do không đăng ký pháp nhân và không được các cơ quan chức năng công nhận. Các sinh hoạt và nghi lễ thường mang tính ma thuật, siêu nhiên kỳ bí, nhất là trong lĩnh vực sức khoẻ và đoán định tương lai, cầu may mắn mang tính mê tín dị đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và tình hình an ninh trật tự.
Thực tế cho thấy, số đối tượng cầm đầu, cốt cán trong các “hiện tượng tôn giáo mới” luôn thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng danh nghĩa, hoạt động của các hội, nhóm, trung tâm, câu lạc bộ, công ty (được công nhận tư cách pháp nhân) để tuyên truyền, tán phát tài liệu, lôi kéo người dân tham gia. Các đối tượng lập “phòng họp” trên phần mềm Zoom và gửi link qua phần mềm Zalo, Telegram cho tín đồ tham gia học, tập luyện và chia sẻ. Các bài giảng được biên soạn và tải trên website riêng của từng hội, nhóm... khiến lực lượng chức năng khó phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý.
Có thể nói, hoạt động trái quy định pháp luật của các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trong thời gian qua đã gây nhiều hậu quả cho xã hội và hoạt động bình thường của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư các pháp nhân. Chức sắc trong các tôn giáo đều đã lên tiếng và phản ánh về hoạt động lợi dụng “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” mang nặng màu sắc mê tín dị đoan để “kinh doanh”. Các hoạt động này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, thậm chí còn gây tổn hại về vật chất, tinh thần, tính mạng và hạnh phúc gia đình cho nhiều người; gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo...
Trước tình hình trên, từ đầu năm 2024, Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt trong xóa bỏ, ngăn chặn hoạt động lợi dụng “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”, xây dựng tỉnh Tuyên Quang không có “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động vi phạm quy định của pháp luật, tạo môi trường ổn định, thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Với quyết tâm cao độ, lực lượng chức năng đã thành lập, duy trì thường xuyên hoạt động của các tổ công tác tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”, tiếp xúc hơn 1.500 lượt quần chúng nhân dân để vận động, tuyên truyền người dân hiểu rõ tác hại, tính phản khoa học và vi phạm pháp luật của một số “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”.
Đồng thời, tổ chức 29 buổi tuyên truyền với hơn 3.000 người dân tham dự để người dân hiểu rõ, đề cao cảnh giác, trách nhiệm trong đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia công tác đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”. Qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay, số người trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” đều đã cam kết từ bỏ.
Đồng chí Thượng tá Trần Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Công tác đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay, vào cuộc của chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Thông qua đó đã phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang.
Để duy trì thành quả công tác đấu tranh, xóa bỏ và ngăn chặn “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới”, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố 238 mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Các mô hình với nòng cốt là sự tham gia của quần chúng nhân dân không chỉ góp phần giữ gìn, đảm bảo ANTT, mà còn tạo tiền đề nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội; hướng dẫn, giúp đỡ người dân lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời tăng cường sự giao lưu, phối hợp, góp phần giữ vững mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc.
Thời gian tới, các đối tượng lợi dụng hoạt động “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trên địa bàn sẽ tiếp tục có những hoạt động phát tán tài liệu tại các nơi tập trung đông người, sử dụng các phương tiện hiện đại để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoặc thông qua đường bưu điện gửi đến các cấp chính quyền nên khó kiểm soát, ngăn chặn, gia tăng về cả tính chất, quy mô và mức độ nguy hại, dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo người dân tham gia.
Để góp phần đảm bảo an ninh tôn giáo, ổn định chính trị trên địa bàn, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của các “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật; đồng lòng cùng các cấp chính quyền và lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” vi phạm pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết