Mảnh ghép còn khuyết
Các điều dưỡng, kỹ thuật viên khoa Nội-Nhi-Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen luôn kiên trì dỗ dành, đôi tay không ngớt xoa bóp, kéo nắn xương khớp cho bệnh nhân... theo phác đồ điều trị. Hiện khoa đang điều trị cho hơn 120 bệnh nhân, trong đó có 80% em nhỏ bị khuyết tật về trí tuệ, vận động, ngôn ngữ do bại não, hội chứng down, bàn chân khoèo... Nhiều nhất là trẻ bị bại não, việc điều trị mất rất nhiều thời gian nên các thầy thuốc đã quen với tiếng cười, tiếng khóc cũng như tình trạng bệnh của trẻ.
Chị Nguyễn Thị Xuyến, huyện Yên Sơn chia sẻ: năm 2018, khi đó con chị là cháu Đặng Ngọc Ân được 9 tháng tuổi bị bại não, liệt 2 chi vận động dưới, không lẫy lật được. Đến nay sau hơn 3 năm điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen bằng phương pháp vận động trị liệu (xoa bóp toàn thân, tập vận động các khớp) điện phân, điện xung, cháu bắt đầu đứng lên đi được, có phản xạ với những người xung quanh. Trong quá trình điều trị, cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện tận tình và ân cần, luôn có sự đồng cảm, chia sẻ với gia đình, tiếp thêm động lực để gia đình kiên trì tập luyện cho cháu.
Cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen điều trị cho trẻ khuyết tật.
Anh Hoàng Đình Minh, ở tỉnh Hà Giang có con đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết: “Tôi có con trai 3 tuổi chậm nói, chỉ nói được từ đơn. Qua lời giới thiệu của người bạn tôi biết Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen ở tỉnh Tuyên Quang điều trị được bệnh con và tôi quyết định đưa con đến đây chữa bệnh. Mỗi lần xuống đây hai bố con phải bắt xe ô tô đi mất 6 giờ đồng hồ (vì nhà xa, mỗi tháng tôi cho con về đây điều trị liên tục 20 ngày). Đến nay sau gần 1 năm điều trị cháu đã biết ghép từ, bi bô hát, gia đình tôi rất vui với sự tiến triển của cháu”.
Bác sỹ Bùi Thị Yến, Phó trưởng Khoa Nội - Nhi - Y học cổ truyền chia sẻ: "Hơn 10 năm công tác tại bệnh viện được chứng kiến niềm vui của nhiều gia đình có con điều trị tại bệnh viện. Có trẻ ban đầu đến không ngồi được, đi được, nhận thức kém nhưng sau thời gian điều trị tích cực nay đã có thể đi lại, nhận thức tốt như em Phan Ngọc Tuyết, tỉnh Hà Giang, trước khi đến điều trị cháu chưa ngồi được, không nói được, nhận thức kém, cảm giác kém hầu như không biết đau. Sau một thời gian điều trị, đến nay cháu đã tự đứng, đang tập đi, nói được nhiều từ, nhận thức tốt, cảm giác tốt và nhiều trẻ em tàn tật khác đã chữa khỏi bệnh, đó là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi khi làm việc tại đây".
Không chỉ là trách nhiệm
Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng là chuyên ngành chữa bệnh sử dụng phương pháp, kỹ thuật điều trị không dùng thuốc, giúp bệnh nhân hồi phục chức năng của cơ thể sau khi bị chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh. Bác sỹ Phạm Trọng Thuật, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh cho trên 280 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nhi chiếm gần 80%. Bằng tình thương, trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, người thầy thuốc không chỉ am hiểu về bệnh lý để có thể chăm sóc tốt về thể lực mà còn phải thấu hiểu tâm lý và dành tình thương với trẻ để trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.
Từ khi chọn học nghề y, chị Nguyễn Thị Thơm, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu - Hoạt động trị liệu - Ngôn ngữ trị liệu - Tâm lý trị liệu luôn xác định tâm thế cống hiến, hết lòng vì người bệnh. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó với trẻ bị khuyết tật, chị luôn tâm niệm: một đứa trẻ khuyết tật đi không vững, nói không thành lời, chậm phát triển tâm thần bị thiệt thòi rất nhiều. Nếu được phục hồi chức năng tốt ngay từ khi trẻ còn nhỏ, khi bệnh mới chớm thì sẽ giảm đáng kể thương tổn. Đó là lý do để chị và các đồng nghiệp trong khoa nỗ lực mỗi ngày.
Với những trẻ bị khuyết tật không giống như mắc bệnh cấp tính điều trị một thời gian sẽ khỏi, chăm sóc, điều trị cho trẻ khuyết tật cần quá trình bền bỉ, lâu dài và tốn kém. Nếu không được đồng hành, khích lệ, gia đình sẽ nản, dễ bỏ cuộc. Vì vậy mà, những cán bộ của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ để gia đình người bệnh không đơn độc trong hành trình phục hồi chức năng cho con em mình và tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật.
Gửi phản hồi
In bài viết