OCOP xứ Tuyên tại trời Âu – Đại sứ lan toả văn hoá quê hương

- Những ngày cuối năm, những người làm nông nghiệp Tuyên Quang vô cùng xúc động xen lẫn tự hào khi sản phẩm OCOP của xứ Tuyên đã có mặt tại châu Âu – thị trường được coi là khó tính nhất trên thế giới.

7 sản phẩm OCOP được xuất khẩu gồm: Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hoá); trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã hữu cơ nông sản Bình Minh; chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên; bưởi Soi Hà của Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Vân (Yên Sơn); siro chanh, siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo (Hàm Yên).

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) – đơn vị chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Vương Quốc Anh: Đơn vị đã thực hiện giới thiệu, chào hàng trên 50 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng Châu Âu.

Bưởi Soi Hà là một bất ngờ thú vị khi gần 8.000 quả bưởi Soi Hà trên địa bàn xã Xuân Vân được xuất khẩu thị trường Vương quốc Anh đều đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Cụ thể, sản phẩm bưởi Soi Hà được lựa chọn có độ ngọt Brix từ 11.5 độ trở lên, không he đắng, dóc múi, mọng nước; màu vàng đều, ít vết chấm đen không nám dám, không có vết côn trùng cắn... Bưởi được thu hái trước 15/11/2024, trọng lượng từ 1-1,2 kg/quả và được test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 2 tuần trước khi thu hái, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn dự lượng châu Âu. Giá thành giao tại vườn là 16.000 đồng/quả. 

Bưởi Soi Hà là sản phẩm thứ 4 của huyện Yên Sơn được Công ty Cổ phần R.Y.B đặt hàng để xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh trong năm 2024. Đây là một trong những thị trường khó tính với những quy định khắt khe trong các nước Châu Âu. Tuy nhiên, sản phẩm bưởi Soi Hà đã nhận được phản hồi tốt và đặt hàng ngay lần đầu ra mắt. Với ưu điểm như thu hoạch sớm, bưởi đều, ngọt thanh, không he, đắng..., bưởi Soi Hà hoàn toàn có thể tiếp cận thêm nhiều thị trường châu Âu khác.

Câu chuyện của bưởi Soi Hà hay 6 sản phẩm vừa được xuất khẩu đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản xứ Tuyên; đánh dấu bước ngoặt quan trọng về quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi sản phẩm OCOP có thể được xem như một “đại sứ” của từng địa phương, cộng đồng dân tộc, giới thiệu những câu chuyện sinh động về nông nghiệp, nông thôn, bản làng vùng cao xứ Tuyên.

Hiện nay, toàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Tỉnh đã xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; có 107 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 04 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hầu hết sản phẩm đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đã mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên. Đây là tiềm năng lớn để Tuyên Quang có kế hoạch bài bản trong phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, từng bước khẳng định thương hiệu và giá trị nông sản địa phương đối với thị trường trong và ngoài nước.

Việc 7 sản phẩm OCOP xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong năm 2024 đã mở ra cơ hội lớn cho người làm nông nghiệp, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong chặng đường giữ vững sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tiếp tục chặng đường xuất khẩu những sản phẩm mới. Bởi đây không chỉ là những sản vật của làng quê, chứa đựng sự tâm huyết và niềm tự hào của người dân, mà còn theo mang trọng trách, sứ mệnh kết nối và chia sẻ những giá trị văn hóa của người xứ Tuyên.

Để phát huy kết qua đã đạt được, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh còn nhiều việc phải làm. Đó là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách; áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ hàng hoá; đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người và mỗi địa phương trong việc khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh trên cơ sở kế thừa và tiếp thu công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại... Có như vậy, các sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu không chỉ đứng vững mà còn có thêm nhiều sản phẩm hơn nữa vươn ra thế giới; để văn hoá xứ Tuyên nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung lan toả, thấm sâu vào đời sống các quốc gia tiên tiến. 

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục