Tận diệt giun đất - Một cách phá hoại môi trường

- Giun đất được ví như “chiếc máy cày tự nhiên” của người nông dân nhờ khả năng làm tơi xốp, giàu dinh dưỡng cho đất. Thời gian gần đây, loài sinh vật này đang bị tận diệt bằng kích điện, bán cho các thương lái để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Báo Tuyên Quang giới thiệu đến độc giả loạt bài về thực trạng khai thác, sơ chế giun đất và câu trả lời của cơ quan chức năng về vấn đề này.

Bài 1: Báo động đỏ nạn tận diệt giun đất bằng kích điện

Bài 2: Kích giun đất để làm gì?

Bài 3: Khoảng trống quản lý

Liên tục trong những tháng gần đây, tình trạng kích, bắt giun đất bằng xung điện diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận. Các chuyên gia môi trường và nông nghiệp cho rằng đây là hành động tàn sát thiên nhiên, có tác hại lâu dài, phá hủy môi trường đất cần phải đáng báo động đỏ.

Nhiều thiết bị đánh bắt giun đất được thu giữ

Khoảng 11 giờ ngày 21-2, công an xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã phát hiện, thu giữ bộ kích điện của Hứa Văn Chiêm, thôn Khun Mạ đang sử dụng để kích bắt giun trên cánh đồng Vàng Mo, thôn Loăng Quăng. Tiếp đến ngày 21-3, công an xã Tri Phú thu giữ tiếp 1 bộ kích của Đồng Xuân Trường, thôn Pắc Cháng, xã Linh Phú đang thực hiện kích bắt giun trên địa bàn xã Tri Phú. Anh Chu Văn Mạnh, Phó trưởng công an xã Tri Phú cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, công an xã đã thu giữ được 4 bộ kích bắt giun đất bằng xung điện, đồng thời lập biên bản đình chỉ 2 lò sấy giun.

Công an xã Tri Phú (Chiêm Hóa) thu giữ bộ kích giun bằng xung điện. Ảnh: T.L

Cùng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, trung tuần tháng 3, công an xã Kim Bình cũng thực hiện kiểm tra và phát hiện 6 bộ kích cỡ nhỏ được cắm xuống đất để kích bắt giun trên cánh đồng xã.

Trên địa bàn huyện Yên Sơn, tình trạng đánh, bắt, thu mua, chế biến giun diễn ra rầm rộ hơn. Tại các xã Kiến Thiết, Trung Trực, Xuân Vân...không khó có thể bắt gặp tình trạng người thu mua, chế biến, tiêu thụ giun đất. Anh Hoàng Văn Binh, thôn Bắc Triển, xã Kiến Thiết bức xúc, sáng sớm hàng ngày, rất nhiều người từ Trung Trực, Xuân Vân đi xe máy mang theo thùng xốp, bao tải để thu mua giun từ Kiến Thiết về chế biến, quá trình vận chuyển nhiều khi làm giun rơi đầy đường.  

Ngày 21-5, công an xã Trung Trực kiểm tra đột xuất gia đình ông Phạm Tuấn Thanh, thôn Đồng Chãu đã phát hiện 3 lò sấy và hàng chục phên giun vừa được sấy khô để chờ đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra còn phát hiện 1 máy mổ giun, công an xã đã lập biên bản và thu giữ  máy.  Anh Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng công an xã Trung Trực khẳng định, đây là lần thứ 3 lực lượng kiểm tra đột xuất, phát hiện, lập biên bản thu giữ dụng cụ đánh bắt, chế biến giun của gia đình ông Thanh. Điều đáng nói là thu giữ xong, yêu cầu gia đình ký cam kết không tái diễn hành vi kích bắt, mua bán, chế biến tiêu thụ giun đất, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn lực lượng quay lại kiểm tra lại phát hiện. Cũng từ đầu năm đến nay, công an xã Trung Trực thu giữ 5 bộ kích điện để bắt giun, chưa kể thiết bị mổ giun.

Tận diệt giun đất

Tìm hiểu của phóng viên, để đánh bắt giun đất, các cá nhân sử dụng bình ắc quy loại 12V, bộ kích điện cùng kẹp và hệ thống dây điện nối với những que sắt. Quá trình đánh bắt, các que sắt được cắm xuống đất tùy theo cường độ, xung điện trong vòng bán kích từ 2-4 m, công tắc được bật lên, điện được dẫn qua bộ kích rồi truyền qua dây đến que sắt và dẫn xuống đất cùng những âm thanh khó chịu được phát ra. Và chỉ sau thời ngắn đủ mọi loại giun từ lớn đến bé không chịu được xung điện phải ngoi hết lên mặt đất. Giun đất to hay còn gọi là giun điếu sẽ được thu gom lại để bán cho các lò sấy; giun nhỏ, bị vứt lại, tuy nhiên do bị tác động của xung điện những con giun nhỏ này sẽ chết ngay sau đó. Trung bình mỗi đêm, sử dụng máy kích điện có thể bắt được từ 20-30 kg giun sống, những ngày mưa con số này sẽ tăng lên nhiều.

1 bộ kích bắt, chế biến giun đất được công an xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thu giữ.

Chưa có số liệu thống kê từ chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nhưng chỉ nhìn qua những lò sấy giun cũng có thể khẳng định được rằng số lượng giun đất bị đánh bắt, bức tử một cách tàn nhẫn mỗi ngày không thể tính bằng chục kg, mà phải tính đến bằng tạ, tấn. Tại địa phương có tình trạng đánh bắt giun đất bằng kích điện, các lò sơ chế, ngang nhiên mọc lên. Điển hình tại thôn Đồng Chãu, xã Trung Trực (Xuân Vân) qua nắm tình hình của lực lượng công an xã đã có 10 lò sấy giun đang hoạt động, có những gia đình lên đến 3 lò sấy.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ tực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tình trạng đánh bắt giun bằng xung điện đã tận diệt từ trứng đến giun trưởng thành trong đất. Không chỉ loài giun cả hệ sinh thái trong đất cũng bị tàn sát. Theo tài liệu khoa học, mỗi một gam đất có tới 6 triệu con vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Ông Tuyên khẳng định, nếu tình trạng này tiếp diễn đất sẽ trở nên bạc màu, không thể canh tác, ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.

Hầu hết những sự vụ lực lượng công an bắt quả tang, thu giữ thiết bị đánh bắt, chế biến giun, các cá nhân đều nhận thức rất rõ hành vi sử dụng xung điện bắt giun là tận diệt loài giun có ích, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp. Thế nhưng họ vẫn một mực khẳng định chỉ đi bắt ở nơi khác chứ không bắt gần nhà.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục