Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thời 4.0

- Việc đưa công nghệ thông tin vào trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một yêu cầu tất yếu, góp phần giảm bớt chi phí, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, giúp cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật không bị giới hạn về không gian, thời gian và kịp thời cập nhật, giới thiệu cho cán bộ, nhân dân các chính sách mới được ban hành.

Seo Thị Vàng là cô gái người Mông ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) lúc còn nhỏ Vàng bị ảnh hưởng của tập quán “con gái không được đến trường học chữ” của người dân nơi đây. Vì thế, Vàng không biết chữ. Khi lớn lên Vàng được tiếp cận với điện thoại thông minh, cô đã quyết tâm phải học bằng được cái chữ. Vàng tự học chữ qua điện thoại, qua sách vở của em mình. Đến nay, Vàng đã học được hết cái chữ. Vàng chia sẻ, ở điện thoại mọi thứ mình muốn biết đều có. Được các chị cán bộ phụ nữ xã, cán bộ thôn hướng dẫn Vàng tìm hiểu những quy định của pháp luật Vàng đã hiểu thế nào là tảo hôn, phải làm gì cho đúng pháp luật. Vàng vẫn thường lấy những điều hay ở điện thoại để nói cho bố mẹ hiểu. Bây giờ thì tất cả trẻ con, gái trai ở Khuổi Củng đã đều được đến trường rồi.

Cũng giống như cô gái Seo Thị Vàng ở thôn Khuổi Củng, rất nhiều người dân vùng cao nhờ có công nghệ thông tin, chỉ cần qua chiếc điện thoại thông minh cùng với sự hướng dẫn, truyền tải thông tin của cán bộ tư pháp mà họ đã trở thành những người am hiểu pháp luật, biết tránh những việc làm vi phạm pháp luật. Chiếc điện thoại thông minh thực sự là phương tiện hữu hiệu để nâng cao dân trí, tăng cường nhận thức pháp luật cho người dân.

Người dân thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) tìm hiểu pháp luật qua điện thoại thông minh.

Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Củng, Triệu Văn Liều cho biết, từ ngày có sóng điện thoại, hộ gia đình nào trong thôn cũng có điện thoại thông minh nên việc triển khai công việc trong thôn rất tiện. Không phải đi đến tận nhà mời họp thôn nữa đâu. Cứ vào nhóm Zalo thông báo là mọi người biết hết. Để tuyên truyền pháp luật cho bà con, anh Liều thường nhờ cán bộ tư pháp xã cung cấp cho những tài liệu về pháp luật một cách ngắn gọn, dễ hiểu để đưa lên zalo rồi nhắc nhở bà con phải đọc. Trong lúc họp thôn, anh Liều còn kiểm tra bất kỳ xem hộ nào đã đọc hay chưa. Anh thường bảo với bà con là những quy định đó rất tốt, bà con nên đọc để làm cho đúng, thực hiện cho tốt.

Để tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL, năm 2019, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”. Theo đó, việc thực hiện Đề án giúp công tác PBGDPL được đa dạng hóa hình thức, khai thác triệt để thế mạnh của CNTT, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật, giúp người dân và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong triển khai Đề án, tỉnh xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử tỉnh tích hợp các nội dung cơ bản như: tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành: đăng tải văn bản, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND cấp tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PBGDPL; hỏi đáp hoặc tư vấn pháp luật trực tuyến...

Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử; triển khai thực hiện PBGDPL qua ứng dụng  xã hội như facebook, youtube và các mạng xã hội khác... 

Nhiều cơ quan đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để PBGDPL. Công tác tuyên truyền PBGDPL trên báo, đài; thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cũng như xây dựng các Fanpage để tuyên truyền trên mạng xã hội facebook; ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, gửi, nhận văn bản qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản; việc triển khai văn bản pháp luật mới ban hành bằng hình thức trực tuyến đến các đối tượng trên địa bàn, nhất là cán bộ công chức, người được giao làm công tác PBGDPL.

Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác PBGDPL không chỉ giúp cán bộ, nhân dân kịp thời nắm bắt các chính sách pháp luật mới mà còn giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú, đa dạng để phục vụ cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và chất lượng của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở.

Đồng chí Vũ Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Xây dựng, Kiểm tra, thi hành pháp luật và Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp cho biết, để phát huy có hiệu quả hơn nữa trong việc ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trước hết phải tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT trong PBGDPL cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết và chủ động tìm hiểu về CNTT để tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó rà soát, lựa chọn biên soạn các nội dung có trọng tâm để tuyên truyền phù hợp với các đối tượng, để người dân dễ đọc, dễ tiếp cận.

Bài, ảnh: Thanh trà

Tin cùng chuyên mục