Ngăn chặn kịp thời tội phạm xâm hại trẻ em

- Những năm gần đây, số vụ án hình sự liên quan đến xâm hại trẻ em do Tòa án nhân dân 2 cấp xét xử và số trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng với nhiều thủ đoạn mới. Tuy nhiên để đưa được người phạm tội ra trước ánh sáng công lý gặp rất nhiều khó khăn. Vậy cần những biện pháp nào để ngăn chặn loại tội phạm này.

Đầu tháng 11 vừa qua, dư luận bàng hoàng khi Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Văn L, trú tại thôn Ngõa, xã Yên Lâm (Hàm Yên) phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2022, Hoàng Văn L. đã nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm 3 con ruột, sinh năm 2002; 2004 và 2009. Tại phiên tòa bị cáo Hoàng Văn L. đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

Khoảng 22 giờ ngày 2 - 10 - 2021, La Văn Th, trú tại thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) đã có hành vi hiếp dâm cháu Phùng Thị L, sinh năm 2008 (cháu L. bị hạn chế về khả năng giao tiếp), vụ án đã được điều tra, truy tố và xét xử. 

Đây chỉ là 2 trong số 43 vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật trong 2 năm 2021 - 2022. Đồng chí Trịnh Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng, Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: hầu hết đối tượng xâm hại trẻ em đều có mối quan hệ gần gũi với gia đình, quen biết từ trước với nạn nhân và lợi dụng các mối quan hệ này để thực hiện hành vi. Các đối tượng lợi dụng địa bàn vắng vẻ, sự ngây thơ, chưa có nhận thức về quan hệ giới tính của các em để tiếp cận, hứa hẹn hoặc dùng vũ lực, đe dọa thực hiện các hành vi đê hèn.

Một vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chiêm Hóa cho biết: trong số các vụ việc xâm hại trẻ em thì xâm hại tình dục trẻ chiếm tỷ lệ khoảng 70%, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em phát hiện muộn, để lại di chứng hậu quả nặng nề cho trẻ em và gia đình. Tâm lý làng xóm, thân quen và lo sợ nhiều người biết ảnh hưởng tương lai con cái cho nên nhiều gia đình không khai báo. Địa bàn huyện Chiêm Hóa cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhưng đa số người nhà nạn nhân ít báo cho địa phương mà thường tự giải quyết nên rất khó phát hiện kịp thời để ngăn chặn.

Thực tế hiện nay, trong công tác điều tra, truy tố, xét xử với tội phạm xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi gia đình lưỡng lự trong việc giải quyết, vì sợ điều tiếng, hoặc trình độ dân chí còn thấp, bị tác động bởi dư luận của xã hội nên dẫn đến khai báo muộn, nên đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết, hoặc không còn dấu vết, đủ thời gian để đối tượng suy nghĩ để khai báo gian dối hoặc bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Đồng chí Nguyễn Kiên Cường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Na Hang cho rằng: cần sớm có kế hoạch tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 18 tuổi cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để giải quyết các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em. Đồng thời, cần phân công các cán bộ có năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án để làm nhanh chóng bởi thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta và nhiều địa phương, công tác giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian trong các khâu trước khi đưa bị cáo ra xét xử.

Muốn ngăn chặn dứt điểm tội phạm này, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, hỗ trợ kỹ năng nhận biết tâm, sinh lý của con trẻ; ngành chức năng hỗ trợ, tập huấn kỹ năng phòng vệ trước những đối tượng có ý định xâm hại cho trẻ em, trường học. Vấn đề cần quan tâm khác là chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.                         

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục