Thăng trầm di sản Hồ Văn
Là một bộ phận không thể tách rời, có vai trò như một “minh đường” trước Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Văn có tổng diện tích gần 12.000m2, gồm sân vườn, đường dạo và một gò nổi giữa hồ (gò Kim Châu). Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, không gian này nhiều lần bị hoang hóa, xâm phạm, lấn chiếm, khiến việc bảo tồn, phát huy giá trị gặp khó khăn. Từ năm 2006, Hồ Văn được bàn giao cho Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý. Không gian này từng bước trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn trong lòng công chúng và du khách trong, ngoài nước nhờ những nỗ lực cải tạo, chỉnh trang hiệu quả cùng nhiều hoạt động trải nghiệm giàu bản sắc được duy trì.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, hướng tới mục tiêu đưa Hồ Văn trở thành điểm sinh hoạt văn hóa kết hợp giáo dục di sản, hằng năm đơn vị đều đưa các chương trình, hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống hấp dẫn vào khu vực này, nhằm tăng sức hút cho điểm đến, đồng thời tạo thêm không gian vui chơi, giải trí bổ ích, đáp ứng đa dạng đối tượng, lứa tuổi phục vụ. Nhiều hoạt động được tổ chức thường niên, như: Hội chữ xuân, kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam, chương trình giáo dục di sản “Sĩ tử nhí”… đã trở thành thương hiệu của khu di tích.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác giá trị Hồ Văn vẫn còn một số tồn tại, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của di tích. Đáng kể là sự xuất hiện của một điểm thờ tự tự phát tại gò Kim Châu, làm sai lệch các giá trị vốn có của tổng thể khu di tích, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, phát huy giá trị Hồ Văn nói riêng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khu vực gò Kim Châu vào thời Lê từng hiện diện một phương đình, là nơi tụ họp bình văn, đọc thơ của các sĩ phu Bắc Hà. Do thăng trầm lịch sử, công trình trên đã không còn. Nếu phục dựng lại thì giá trị di sản sẽ được củng cố, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được như vậy, trước hết phải di dời điểm thờ tự tự phát kể trên.
Phát huy trọn vẹn giá trị di sản
Nhằm phát huy hiệu quả giá trị không gian di sản Hồ Văn, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hoàn thiện các điều kiện cơ bản để tiến hành phục dựng phương đình và tôn tạo gò Kim Châu. Hạng mục này nằm trong Dự án đầu tư bảo tồn tôn tạo và khai thác Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt (tại Quyết định số 3496/QĐ-UBND ngày 31-8-1998).
Theo đó, công trình gồm phục dựng phương đình, bảo tồn cây cổ thụ, bia đá; tôn tạo sân vườn cảnh quan; kè hồ, dựng cầu đá nối sang hồ và dựng lan can đá bao quanh hồ…, trong đó tòa phương đình nằm ở vị trí trung tâm gò Kim Châu, trên trục thần đạo của tổng thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có kiến trúc thuần Việt với kết cấu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Công trình được khởi công trong tháng 7-2021 và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2021. Trước đó, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tiếp xúc với nhân dân địa phương để thống nhất phương án di dời điểm thờ tự tự phát, trả lại không gian nguyên vẹn cho di tích và đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Ông Lê Anh Tú (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) cho biết, việc tu bổ, tôn tạo Hồ Văn là cần thiết để phát huy trọn vẹn giá trị di sản. Còn theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, sau bước tu bổ, tôn tạo, trung tâm cần đưa thêm nhiều hoạt động phù hợp và hấp dẫn hơn nữa vào không gian này.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, việc phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu là hết sức cần thiết đối với tổng thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, những sản phẩm tinh thần có giá trị, hấp dẫn du khách cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
“Song hành với phục dựng, tôn tạo, việc phát huy giá trị di sản cũng đã được tính đến với những giải pháp, lộ trình cụ thể, nhằm nâng cao giá trị Hồ Văn cũng như phát huy giá trị của tổng thể Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết