Phát triển nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp điện ảnh: Những lỗ hổng cần được vá

Sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đang tạo ra môi trường nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với nguồn nhân lực. Sự phát triển ấy đồng thời cho thấy những “lỗ hổng” cần được “vá” kịp thời trong vấn đề nhân lực để có được những thành công vững chắc hơn nữa.

Thành công của những “tay ngang”

Với doanh thu hơn 420 tỷ đồng, bộ phim “Bố già” của Trấn Thành là phim Việt duy nhất có mặt trong danh sách những phim chiếu rạp 2021 có doanh thu cao nhất toàn cầu. Không chỉ “làm mưa làm gió” trong nước, bộ phim đã ra rạp tại nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Australia và đang được công chiếu rộng rãi tại Mỹ. Đó thực sự là một kỳ tích của điện ảnh Việt Nam mà người ta sẽ còn phải nhắc đến trong một thời gian dài nữa. Nhưng điều đáng nói, thành công ấy lại đến từ một biên kịch, đạo diễn “tay ngang” là Trấn Thành. Trấn Thành nổi tiếng là một diễn viên, MC, ca sĩ nhưng anh đã rất xuất sắc trong vai trò biên kịch và đồng đạo diễn phim “Bố già” với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Phiên bản chiếu mạng trước đó của “Bố già” do Trấn Thành biên kịch, đạo diễn và là nhà sản xuất cũng gây được tiếng vang.

Mặc dù năm 2021 là một năm đầy khó khăn với điện ảnh Việt, nhưng cũng ghi dấu thành công của một đạo diễn “tay ngang” khác là Lý Hải. Sau 6 năm theo đuổi liên tục, Lý Hải từ một ca sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình trong làng điện ảnh với tư cách biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của series phim ăn khách “Lật mặt”. Doanh thu cao và đều đặn của các phần phim “Lật mặt” (2015) thu 72 tỷ đồng, “Lật mặt 2: Phim trường” (2016) thu 80 tỷ đồng, “Lật mặt 3: Ba chàng khuyết” (2018) thu 85 tỷ đồng, “Lật mặt 4: Nhà có khách” (2019) thu 120 tỷ đồng và phần 5 “Lật mặt: 48h” thu 150 tỷ đồng, đã chứng minh cái duyên với màn bạc của cựu ca sĩ này.

Cùng với đó là một số gương mặt “tay ngang” cũng sở hữu những thương hiệu phim đình đám như bộ đôi Bảo Nhân và Nam Cito với “Gái già lắm chiêu”, Huỳnh Anh Tuấn với “Lô tô”, Ngô Thanh Vân với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”... Dĩ nhiên, đây mới chỉ là những ví dụ mang tính hiện tượng của điện ảnh, nhưng nó cũng cho thấy sự phát triển của lĩnh vực này đang mở ra rất nhiều cơ hội cả với những người không chuyên.

Học chưa đi đôi với hành

Thành công mang tính hiện tượng của một vài gương mặt “tay ngang” trên một mặt bằng chung chưa nhiều về số lượng và cũng không đồng đều về chất lượng còn phản ánh một thực tế khác của điện ảnh Việt hiện nay. Đó là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của thị trường, hay nói cách khác là học chưa đi đôi với hành.

Hiện trong nước có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành điện ảnh bậc đại học là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể nhiều cơ sở đào tạo cao đẳng, các trung tâm đào tạo ngắn hạn... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa có được bước tiến rõ nét. Trong khi đó, thế hệ đạo diễn Việt kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ... hay các đạo diễn “tay ngang” tự học như đã kể trên lại có dấu ấn rõ ràng hơn. Chính vì vậy, nhiều người nhận định “đầu ra” của các cơ sở đào tạo điện ảnh hiện nay vẫn phải tiếp tục được tái đào tạo bằng thực tế.

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế", nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Điện ảnh Việt đa phần tập hợp những người học từ công việc, "nghề dạy nghề". Việt Nam chưa có được những trường lớp đào tạo người làm nghề hiệu quả”.

Về những hạn chế trong đào tạo hiện nay, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Cơ sở đào tạo có thương hiệu còn nhiều hạn chế như nhiều giáo trình chưa được thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo; đầu vào không có nhiều sinh viên thật sự có năng khiếu, tài năng; đầu ra thì cơ hội việc làm của sinh viên còn khó khăn...

Sự thành công vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc khi tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cử người đi đào tạo tại nước ngoài là bài học được những người làm điện ảnh trong nước thường xuyên nhắc đến.

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt đang cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài như thế hệ trước kia, còn đào tạo trong nước thì chưa đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng ngành nghề. Chính vì vậy, cần gấp rút có biện pháp cụ thể từ cơ quan chức năng, thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong cũng như ngoài nước. Ở trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Song song với đó, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí, cử sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển.

Đồng bộ 4 yếu tố

Tham luận tại “Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045” do Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Phải khẳng định công nghiệp văn hóa nói chung và bộ phận quan trọng của nó - công nghiệp điện ảnh - là xu thế phát triển ở tất cả các quốc gia, không ai có thể đi ngược lại quy luật, cũng như không thể trở lại thời “bao cấp”. Những bước đi trong sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến phim đã tạo nên một thị trường điện ảnh tăng trưởng đều - điều kiện quyết định xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh Việt, phải đổi mới quan niệm - từ nhà quản lý đến nhà làm phim, rằng điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật, phim không chỉ là tác phẩm mà còn là hàng hóa đặc biệt, là sản phẩm của sáng tạo và công nghệ, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng đồng thời có khả năng thu lợi để tái sản xuất và phát triển. Cần xác định công nghiệp điện ảnh dựa trên 4 mắt xích của một guồng máy, đó là: 1. Sáng tạo; 2. Sản xuất ra tác phẩm (phim); 3. Phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; 4. Bảo vệ thành quả sáng tạo - nghĩa là bảo vệ bản quyền tác phẩm. Nói đến phát triển điện ảnh phải xác định là phát triển công nghiệp điện ảnh”.

Từ điều này, có thể thấy phát triển nhân lực điện ảnh phải đáp ứng được yêu cầu của cả 4 mắt xích kể trên chứ không phải chỉ riêng khâu nào. Từ thực tế làm phim, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng khẳng định: Muốn có sự phát triển bền vững thì cần có một đội ngũ chuyên nghiệp đồng bộ ở tất cả các khâu đạo diễn, diễn viên, biên kịch, ánh sáng, âm thanh, hóa trang, phục trang... Chúng ta đang ở hiện trạng một số khâu tốt nhưng một số khâu lại không ổn, chưa có sự đồng bộ trong một đoàn phim.

Câu chuyện “đi tắt đón đầu” trong việc xây dựng nguồn nhân lực thông qua việc tận dụng đào tạo trong và ngoài nước được coi là “chìa khóa vàng” để phát triển trong mọi lĩnh vực, không riêng gì điện ảnh. Điện ảnh Việt đang có những lợi thế vô cùng lớn. Đây là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, có thể nói là mạnh nhất so với các ngành nghệ thuật ở Việt Nam, thậm chí Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nóng trên thế giới. Tuy nhiên, đáng tiếc là 70% doanh thu của thị trường đến từ phim nhập khẩu và rơi vào tay các “đại gia” phát hành nước ngoài. Chính vì vậy, điện ảnh Việt cần ngay một nguồn nhân lực đông đảo về số lượng, mạnh về chất lượng để có thể phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục