Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Quan trọng hơn nữa, Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm trong văn hóa.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Để đạt mục tiêu xây dựng con người Việt Nam hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 11/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững. Đặt biệt, tỉnh đã lựa chọn chuyên đề năm 2024: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Thông qua việc học tập chuyên đề nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo Bác, trọng tâm là phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Tuyên Quang, góp phần xây dựng tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết