Hàm Yên là địa phương trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh. Huyện hiện có 8.550 ha cây ăn quả có múi. Trong đó có hơn 7.200 ha cam, 914 ha chanh, gần 400 ha bưởi, 60 ha quýt. Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa bão, xuất hiện nhiều trận mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng. Đặc biệt, đối với diện tích cam đang cho thu hoạch thì cây đang ở giai đoạn quả phát triển, phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh hại.
Ông Đặng Đình Khuê, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, gần đây, do thời tiết mưa nhiều, đất ẩm nên gần 2 ha cam hữu cơ của gia đình bắt đầu xuất hiện rệp muội gây hại ở ngọn non, cuống lá, mặt dưới lá. Do đó, khi vừa phát hiện, gia đình chủ động phòng trừ bằng cách dọn sạch tàn dư thực vật, tỉa cành tạo tán cây thường xuyên. Ngoài ra, để diệt trừ rệp gia đình sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ kết hợp tỏi, ớt, gừng ngâm theo tỷ lệ để phun cho cây.
Ông Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chăm sóc vườn bưởi hữu cơ của gia đình sau mưa.
Là nhà vườn canh tác bưởi lâu năm ở xã Xuân Vân (Yên Sơn), ông Phạm Văn Yến, thôn Đô Thượng 6 cho biết, gia đình ông trồng 5 ha bưởi, trong đó có 2 ha bưởi trồng chuyển đổi sang hướng hữu cơ. Đợt mưa cuối tháng 5 vừa qua, ông có hơn 1 ha bưởi bị ngập sâu trong nước hơn một tuần. Do đó, ngay sau khi nước thoát, ông đã nhanh chóng kiểm tra, phòng các loại nấm bệnh gây hại rễ, làm thối rễ, cây bị vàng lá, rụng lá rụng quả. Đồng thời, kết hợp quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 1 - 1,5 m và rải vôi xung quanh cây để diệt bào tử nấm, thâm nhập nấm bệnh lên cây. Ngoài ra, mưa nhiều cây rất dễ bị thừa đạm nên việc bón phân cân đối, chia thành nhiều đợt để cây hấp thu tốt. Rút kinh nghiệm lần ngập này, thời gian tới, ông sẽ tiến hành đào rãnh, mương đảm bảo cho vườn thoát nước tốt, chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống ngập úng cho vườn bưởi của gia đình.
Toàn tỉnh hiện có hơn 15.138 ha cây ăn quả có múi. Trong đó, có hơn 8.650 ha cam, 5.200 ha bưởi, 1.035 ha chanh, 152 ha quýt. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, một số bệnh hại như nấm, thán thư, vàng lá thối rễ, thối quả, sâu vẽ bùa, rệp muội, bệnh loét, ghẻ sẹo, chảy mủ... là những sâu bệnh thường xuất hiện trên cây có múi thời điểm sau mưa nhiều, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả. Do vậy, để bảo vệ cây trồng, người dân cần đào rãnh, mương tăng tiêu thoát nước hoặc kết hợp dùng máy bơm hút hỗ trợ; cắt tỉa cành thông thoáng, kết hợp làm cỏ và sử dụng phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh hại; sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất. Các vườn cây đang mang quả non cần nhiều phân đạm và kali, phun phân bón lá có chứa canxi (Ca), đồng (Cu), boron (B), kẽm (Zn) để tránh hiện tượng nứt quả. Để giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh sau thời gian mưa kéo dài, sử dụng các loại phân qua lá có chứa N, P, K, đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic...
Để bảo vệ vườn cây có múi trong thời tiết mưa nhiều, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chủ động thăm vườn thường xuyên để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của cây và các loại dịch hại nhằm chủ động xử lý. Với những ngày mưa dài, người dân tập trung thực hiện các biện pháp thoát nước chống ngập, úng. Khi phát hiện bệnh hoặc đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh để nông dân chủ động phòng trừ kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết