Phòng dịch cho học sinh nhỏ tuổi cần chu đáo, từ xa

- Việc thực hiện yêu cầu 5k trong phòng chống dịch Covid-19 đối với những học sinh THCS, THPT, sinh viên trường cao đẳng, đại học thì rất thuận lợi. Thế nhưng đối với học sinh ở bậc tiểu học, mầm non không dễ, vì các em còn nhỏ. Chính vì thế các nhà trường cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch chu đáo, từ xa đồng thời theo dõi sát sức khỏe học sinh để kịp thời báo cáo những biến động hàng ngày.

Tuyên Quang là “vùng xanh” nên việc dạy và học từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay vẫn được duy trì tốt, đó là một niềm hạnh phúc bởi rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua phải tổ chức dạy học online. Tuy nhiên, hiện nay đối với các trường tiểu học, mầm non, việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong học sinh, trẻ em (trong đó có việc duy trì đeo khẩu trang thường xuyên) là rất khó khăn. Cùng với đó, trong quá trình học tập ở bán trú tại trường trong lúc ăn, ngủ các em không thể đeo khẩu trang được do vậy phải làm sao để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

Các hoạt động ngoại khóa được các trường tổ chức theo lớp tránh tập trung để phòng dịch. 
(Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Phan Thiết ủng hộ sách cho học sinh vùng cao). Ảnh: Huy Hoàng

Bác sỹ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở môi trường đông người như trường học thì trước tiên phải tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh. Gia đình học sinh có người đi từ vùng dịch hoặc ra ngoài tỉnh trở về phải kịp thời khai báo y tế, thông báo với địa phương và nhà trường. Thực tế hiện nay, việc thực hiện 5K ở nơi đông người như trường học hiện nay còn hạn chế, nhiều khi học sinh từ nhà đến trường đeo khẩu trang nhưng trong quá trình giao tiếp, sinh hoạt các em bỏ khẩu trang ra, hoặc ít chú ý đến rửa tay sát khuẩn… Đối với học sinh nhỏ tuổi, trẻ em mầm non việc thực hiện yêu cầu 5K càng khó hơn. Do vậy cần tăng cường sự giám sát của giáo viên đối với học sinh, trẻ em khi thấy các em có các biểu hiện ốm, ho, sốt phải kịp thời thông báo để có biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời, đề nghị gia đình có học sinh bị ốm theo dõi sức khỏe, cho học sinh nghỉ học để tránh lây lan dịch bệnh…

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, đáng chú ý là nhiều “ổ dịch” xuất phát từ trường học, nơi đông người với tốc độ lây lan nhanh. Do vậy việc đề cao cảnh giác và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học là điều hết sức cấp bách. Hiện nay, các cơ sở giáo dục tập trung vào các giải pháp như tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu khi đưa đón con đi học, hướng dẫn học sinh sử dụng nước sát khuẩn, không tổ chức tập trung đông người, kịp thời báo cáo các trường hợp học sinh, trẻ em có biểu hiện như ho, sốt…

Chị Quan Thị Thơm ở thôn Tân Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) có 2 con đang học Trường Mầm non Vinh Quang cho biết, trong thời gian qua chị đã được nhà trường thông báo về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp phòng, chống dịch. Khi đưa con đến trường chị thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tập trung đông người và thực hiện đón con theo ca để tránh ùn tắc ở cổng trường…

Có mặt tại Trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang) vào một ngày gần đây chúng tôi cảm nhận được sự khó chịu của học sinh trước việc đeo khẩu trang thường xuyên. Trong giờ học có những lúc chiếc khẩu trang rộng quá rơi xuống cằm, lúc ấy giáo viên lại chạy đến giúp các em thắt lại dây quai khẩu trang cho vừa. Cô giáo Trần Huyền Nhung, Chủ nhiệm lớp 1A cho biết, thực tế việc thực hiện đeo khẩu trang cho các em trong suốt quá trình ở trường là rất khó, nhất là khi các em ăn, ngủ bán trú tại trường, có những em trong lớp thấy khó chịu cũng tự bỏ khẩu trang ra giáo viên lại phải nhắc nhở, hỗ trợ các em đeo lại.

Giáo viên Trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang) hướng dẫn học sinh lớp 1 sử dụng khẩu trang.

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Trường Thành có 429 học sinh, hơn 70% các em ăn ngủ học bán trú tại trường. Cô giáo Trần Thị Huyền nói, việc dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi trường phải có những giải pháp kịp thời, thích ứng. Nhà trường cũng đã chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế dự phòng để cung cấp cho những học sinh quên mang theo hoặc khẩu trang bị cũ. Bên cạnh đó, các lớp được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, học sinh trước khi vào trường được đo thân nhiệt. Giờ ra chơi trường yêu cầu học sinh không tụ tập, lớp nào chỉ ở lớp đó...

Các giải pháp phòng, chống dịch ở các trường tiểu học, mầm non hiện nay đang tập trung vào việc theo dõi sức khỏe, thân nhiệt các em hàng ngày để từ đó phát hiện kịp thời những trường hợp các em có biểu hiện như ho, sốt… để phối hợp với cơ sở y tế, gia đình có biện pháp điều trị kịp thời. Các trường đã phân công cán bộ, giáo viên đến sớm để đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường, tổ chức giao nhận học sinh ngay tại cổng trường, không để phụ huynh vào khuôn viên trường; không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông người, hoạt động phân chia theo lớp hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, các trường học còn yêu cầu phụ huynh thực hiện khai báo y tế, đặc biệt là khi trong gia đình có trường hợp đi từ vùng dịch về. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Long (Hàm Yên) nói, nhà trường đã khuyến cáo, nhắc nhở phụ huynh học sinh hạn chế di chuyển ra ngoài tỉnh. Đồng thời, khi trở về từ vùng dịch phải khai báo kịp thời, theo dõi sức khỏe học sinh ở nhà khi có những biểu hiện ho, sốt… phải thông báo ngay với nhà trường và cơ sở y tế.

Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với tình hình thực tế của địa phương và tình hình dịch, bệnh. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt ứng dụng để phục vụ công tác tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 25-10, đã có hơn 13.000 cán bộ giáo viên được tiêm vắc xin Covid-19, đạt tỷ lệ 90,5%. Việc tổ chức cho giáo viên tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Mới đây, khi làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Tuyên Quang là một trong những địa phương học sinh có thể đến trường học trực tiếp, tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là trong phòng dịch, các nhà trường cần nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5k cộng vắc xin để đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Khi học sinh vẫn được học trực tiếp, cơ sở giáo dục cần tranh thủ thời gian “vàng” để nâng cao chất lượng dạy học, giúp các em tiếp cận chương trình một cách tốt nhất và sẵn sàng chuyển hướng khi cần thiết.

Với phương châm chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực trong dạy và học, cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu năm học 2021 - 2022.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục