Chuyện học ở Khuổi Ma

- Nằm cách thành phố Tuyên Quang hơn 50 km, bản người Mông ở Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là một trong những thôn có địa bàn khó khăn nhất của huyện. Nơi này chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại thì chập chờn, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Tuy là bản nghèo, cuộc sống sinh hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng những giáo viên cắm bản vẫn ngày đêm miệt mài đem ánh sáng tri thức, nuôi dưỡng ước mơ của con em đồng bào dân tộc nơi đây.

Vượt rừng đến lớp dạy chữ

Một ngày giữa tháng Tư, như lời hứa với cô giáo Triệu Thị Nhuận, giáo viên dạy lớp Mầm non tại điểm Trường Khuổi Ma, tôi có mặt từ sáng sớm để cùng cô chinh phục điểm trường. 6 giờ sáng tiếng xe máy nổ inh ỏi trên cung đường lầy lội của cô giáo Nhuận đã làm xao động cả bản làng người Mông. Theo chân cô giáo, vượt qua đoạn đường bê tông, chiếc cầu treo vắt sang bên này đường, cũng là lúc chúng tôi chính thức được đặt chân lên cung đường lầy lội hơn 10 km dẫn vào bản. Thật không thể hình dung nổi, chỉ có những ai đã từng đi qua đoạn đường này mới thấu hiểu phần nào gian khó của các thầy cô giáo dạy tại điểm trường này. Cô Nhuận bảo, nói thật với nhà báo chứ, mùa mưa để vào được bản dạy chữ cho con em đồng bào nơi đây thì bản thân phải chinh phục từng mét đường lầy lội này trước đã. Cung đường này chỉ toàn đất, bùn nên khi mưa dầm chúng trở nên rất đáng sợ bởi khiến không ít người vì trơn mà ngã.

Bữa ăn của các em mầm non điểm Trường Khuổi Ma.

Cô Nhuận cùng với 8 thầy cô giáo dạy ở các lớp học Mầm non và Tiểu học tại điểm trường đầu tuần vào dạy học, nếu gặp trời mưa phải xắn quần lên tận đầu gối, đi chân đất, lê từng bước mà như muốn trượt ngã vì đường hầu như không có ma sát. Khi xe máy đi qua mỗi đoạn đường lầy, chỉ có một cách duy nhất là xuống dắt xe, người phía sau gồng hết sức để đẩy thật nhanh vì bánh xe hầu như nằm trọn vẹn dưới vũng lầy. Vừa vượt qua được một đoạn vũng lầy, cô Nhuận vừa thở hổn hển vừa kể chuyện có hôm vì sa lầy, đến lớp muộn, cũng gần trưa, cứ nghĩ các em bỏ về hết, ai ngờ trò vẫn ngồi đợi cô đến dạy học.

Cô Nhuận kể với chúng tôi, cô đã công tác tại điểm trường này được 10 năm, trước kia không như bây giờ, thiếu thốn mọi thứ, không điện, không nước, không chợ và không sóng điện thoại. Vì thương con dạy ở nơi vùng sâu, vùng xa, tuần nào cô xuống núi là bố mẹ lại đùm đùm bọc bọc cho bao nhiêu đồ ăn để mang lên. Vì ngày đó làm gì có đường đi lại như bây giờ, đường toàn băng rừng lội suối để đến lớp. Dần dần rồi cũng thích nghi với nơi đây, có lẽ một phần vì yêu mến học sinh, phần nhận ra sự gửi gắm của phụ huynh. Các thầy cô giáo ở đây vẫn hay đùa nhau, mình đang sống ở một “ốc đảo nhỏ hoang sơ” với bao trìu mến. Cô Nhuận nói, học sinh ở đây hồn nhiên, trong sáng lắm, thấy cô giáo mặc đồ đẹp là hỏi cô mặc đồ “Tết” hả cô. Nhiều hôm đường lầy lội gặp các em lớp tiểu học, các em lại xúm vào đẩy xe cho cô giáo đi, cứ thế tình cảm cô trò thân thiết hơn, dẫu còn muôn vàn khó khăn chúng tôi cũng thấy ấm lòng.

Giờ Toán của thầy giáo Lương Mạnh Thắng và các em học sinh lớp ghép 4-5, tại điểm Trường Khuổi Ma.

Dừng chân tại điểm Trường Tiểu học Khuổi Ma, chúng tôi gặp gỡ thầy giáo Lương Mạnh Thắng, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 4-5, người có hơn 20 năm cắm bản. Thấy chúng tôi, anh nở nụ cười thật tươi rồi nói: Nhà báo cũng chinh phục được cung đường “đảo ốc nhỏ hoang sơ” của chúng tôi cơ à! Anh Thắng chia sẻ, ngày đầu anh nhận nhiệm vụ, khoác ba lô bám theo Trưởng bản đi bộ đúng 1 ngày trời mới vào được điểm trường. Cảm giác đi mãi, đi mãi chùn hết chân mà vẫn đang thấy mình ở giữa rừng, cái ngày đầu lên nhận nhiệm vụ thật không bao giờ quên. Thầy tâm sự, dạy chữ cho bọn trẻ ở đây không khác gì mình dạy tiếng Anh. Vì từ nhỏ các em chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn dạy cho các em môn tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khi đã thành thuộc những nét chữ, con số học sinh mới dần dần líu ríu viết ra. Nhìn các trò cắm cúi đánh vần từng con chữ mới cảm nhận được những cực nhọc của mình trên con đường đèo dốc về bản chẳng thấm thía vào đâu. Nhiều lúc cũng thấy sờn lòng bởi khó khăn, vất vả khi lên dạy học trên này, nhưng nghĩ lại nếu ai cũng ngại khổ rồi từ bỏ thì tương lai của trẻ trên này sẽ ra sao. Thế rồi thầy lại tự an ủi động viên mình cố lên, gắn bó với học sinh, để thắp lên niềm hy vọng vượt qua khó khăn, nghèo đói, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn cho bọn trẻ.

Niềm vui tới lớp

Dù đường sá đi lại khó khăn, lớp học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các giáo viên cho biết học trò ở đây rất chăm ngoan và hiếu học. Đã thành thói quen, hàng ngày em Đào Văn Đạo, lớp ghép 4-5 của điểm Trường Tiểu học Khuổi Ma phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học, nhà cách điểm trường 6 km nhưng em rất chăm chỉ đến lớp. Hôm nào trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ những hôm mưa gió, hành trình đến lớp của em và các bạn vô cùng vất vả. Người ướt, tóc tai, quần áo lấm lem, nhưng điều đó vẫn không làm nản quyết tâm đến trường của cậu học trò. Em Đạo nói, em cố gắng học tập thật giỏi để thoát nghèo, ước mơ sẽ trở thành một chú công an trong tương lai.

Để các em đi học chuyên cần, gắn bó với trường, với lớp, các thầy cô giáo ở Khuổi Ma phải thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn của học sinh. Cô giáo Dương Thị Sính, giáo viên dạy điểm trường Mầm non Khuổi Ma cho biết, bản thân cô giáo là người dân tộc Mông nên việc vận động các em đến trường cũng thuận tiện hơn. Cô và các giáo viên điểm trường phải thường xuyên đến thăm gia đình, trao đổi với phụ huynh học sinh để hiểu rõ hoàn cảnh và điều kiện của từng em để có sự động viên, chia sẻ kịp thời. Nhờ đó trong nhiều năm trở lại đây con em người Mông ở Khuổi Ma đi học đầy đủ, không có học sinh bỏ học.

Giờ thể dục của cô giáo Dương Thị Sính, tại điểm Trường Mầm non Khuổi Ma.

Đồng chí Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐNĐ xã Hùng Lợi cho biết, thôn Khuổi Ma có 63 hộ là đồng bào dân tộc Mông, có 105 em học từ bậc Mầm non đến Tiểu học. Từ năm 2019 đến nay, bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa của doanh nghiệp huyện, xã đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng cho thôn 2 điểm Trường Mầm non và Tiểu học. Năm 2021, điểm Trường Tiểu học Khuổi Ma mới được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 phòng học khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng. Có được những lớp học khang trang như thế này, thôn đã vận động nhân dân đóng góp hơn 100 triệu đồng để mua đất, san ủi mặt bằng đầu tư xây dựng điểm Trường Mầm non. Lớp học khang trang nên người Mông ở đây rất phấn khởi cho con em mình đến trường.

Chị Sùng Thị Phình, mẹ của cháu Hoàng Lê Vỹ phấn khởi nói, ở bản chỉ có điểm Trường Mẫu giáo và Tiểu học, học sinh muốn học lên THCS thì phải vượt rừng, lội suối mới đến được lớp học. Tuy nhiên nhờ sự động viên của các thầy cô giáo, chúng tôi đã phần nào hiểu, chỉ có đi học thì mới mong thoát nghèo được. Gia đình cũng yên tâm khi gửi con đến trường được thầy cô chăm sóc tận tình chu đáo.

Niềm vui được học trong những lớp học sạch đẹp, khang trang sẽ chắp cánh cho ước mơ tới trường của các em học sinh người Mông Khuổi Ma bay xa. Em Lý Trung Nghĩa, học sinh lớp 3 nói, được học trong lớp học khang trang sạch đẹp, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành một bác sỹ giỏi về chữa bệnh cho bà con nghèo tại quê hương mình.   

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của những thầy, cô giáo ở Khuổi Ma đã có những thanh niên bước chân vào cổng trường Đại học, trở thành cán bộ công tác tại các cơ quan của tỉnh, của huyện. Chia tay các thầy cô điểm Trường Khuổi Ma, tiếng đánh vần, đọc bài của các em từ điểm trường vang lên vọng khắp cả núi đồi, báo hiệu một cuộc sống tốt đẹp hơn đang đến thật gần.

Ghi chép: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục